Taliban 2.0 có đáng tin?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát ngôn viên chính của Taliban khẳng định trong một cuộc họp báo gần đây, rằng họ không muốn có “bất kỳ kẻ thù bên trong hay bên ngoài”.

Taliban 2.0 khác với 1.0
Cuộc họp báo đầu tiên đã được Taliban tổ chức kể từ khi kiểm soát Kabul - động thái cho thấy lực lượng này sẽ áp đặt luật pháp một cách mềm mỏng hơn so với thời gian nắm quyền trước đó, từ năm 1996 - 2001.
Zabihullah Mujahid - phát ngôn viên chính của Taliban khẳng định, họ không muốn có “bất kỳ kẻ thù bên trong hay bên ngoài”. Ông Mujahid cho biết Taliban sẽ không tìm kiếm sự trừng phạt đối với các cựu binh và quân chính phủ, đồng thời ban hành lệnh ân xá cho cựu binh cũng như nhà thầu và biên dịch viên làm việc cho các lực lượng quốc tế. "Không ai có thể làm hại bạn, không ai sẽ gõ cửa của bạn", ông nói và nói thêm rằng có một "sự khác biệt rất lớn" giữa Taliban bây giờ và 20 năm trước.
 Taliban từng bị cáo buộc áp đặt phiên bản luật Hồi giáo hà khắc, tàn bạo của riêng họ. Ảnh: Skynews
Theo Financial Times, Taliban của năm 2021 đang ở vị thế kinh tế mạnh mẽ hơn nhiều, so với khi phong trào này nổi lên như một phe nhóm chiến đấu trong cuộc nội chiến Afghanistan năm 1994. Trái ngược với phiên bản 1.0 còn non trẻ, chủ yếu được Saudi Arabia cung cấp tài chính và chưa cai trị được toàn bộ lãnh thổ Afghanistan, Taliban ngày nay đã duy trì sự hiện diện tài chính sâu rộng ở nước này, và hưởng lợi từ một số chiến thắng mang lại nguồn tiền đáng kể cho các hoạt động.
Taliban vẫn duy trì được ổn định kinh tế, bất chấp tình trạng nghèo khó của đất nước khi trên thế giới chỉ có 6 quốc gia có GDP bình quân đầu người thấp hơn Afghanistan. Tại quốc gia Trung Nam Á giàu tài nguyên thiên nhiên này, từ khi chưa cầm quyền Taliban đã giành được quyền kiểm soát hoặc sử dụng biện pháp tống tiền tại nhiều địa điểm khai thác tài nguyên.
Nhiều người Afghanistan nghi ngờ những lời hứa của Taliban, trong khi một số khác chỉ có thể chờ đợi. “Gia đình tôi sống dưới thời Taliban và có thể họ thực sự muốn thay đổi hoặc đã thay đổi, nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được và điều đó sẽ sớm trở nên rõ ràng", Reuters dẫn lời Ferishta Karimi, một người dân địa phương tại Afghanistan.
Taliban cho biết họ muốn hòa bình, không trả thù những kẻ thù cũ và cam kết tái phổ biến quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo. Nhưng hàng nghìn người Afghanistan, nhiều trong số này đã giúp đỡ các lực lượng nước ngoài do Mỹ lãnh đạo trong hơn hai thập kỷ vẫn quyết tâm ra đi. Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao phương Tây hôm 18/8 cho biết, hơn 2.200 nhà ngoại giao và dân thường đã được sơ tán khỏi Afghanistan trên các chuyến bay quân sự nhằm chạy trốn khỏi chế độ Taliban.
Phương Tây đổi giọng?
Chiến thắng chớp nhoáng của Taliban vừa qua cũng khiến phương Tây phải nhìn lại. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell hôm 18/8 khẳng định: Taliban đã thắng một cách đầy bất ngờ và EU phải đàm phán với bên nắm quyền ở Kabul, dù họ là ai. Tuy nhiên, đại diện này đồng thời nhấn mạnh EU sẽ chỉ hợp tác với chính quyền mới ở Afghanistan, nếu họ mang lại sự hòa giải và tôn trọng các quyền cơ bản của tất cả người dân Afghanistan, bao gồm phụ nữ, thanh niên và các dân tộc thiểu số.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell xuất hiện trên màn hình khi ông tham dự cuộc họp bất thường về tình hình Afghanistan, tại Brussels, Bỉ hôm 17/8. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Nick Carter - Tham mưu trưởng quốc phòng của Anh hôm 18/8 kêu gọi kiên nhẫn với Taliban. "Chúng ta cần cố gắng cho Taliban không gian để thành lập chính phủ và thể hiện các thông điệp của họ... có thể đây là một Taliban khác với những năm 1990." 
Theo Skynews, mặc dù nền kinh tế của Afghanistan đang rệu rã, Taliban sẽ cần phải chú ý đến việc duy trì những chiến thắng đã đạt được kể từ năm 2001, nhờ sự hỗ trợ quốc tế mà Chính phủ Afghanistan được hưởng và sự ra đời của hiến pháp tự do mới vào năm 2004.
Một liên minh quốc tế đã hỗ trợ Afghanistan phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng lại hệ thống giáo dục, cho phép hàng triệu trẻ em gái đến trường và phụ nữ trẻ tham gia các trường đại học. Taliban sẽ muốn duy trì viện trợ của phương Tây và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ quan trọng, để tránh gây ra nỗi sợ hãi trong nước. Đầu tư quốc tế vào cơ sở hạ tầng và nguồn lực của Afghanistan cũng sẽ rất quan trọng đối với tính hợp pháp của lực lượng này.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, các lãnh đạo Nhóm G7 sẽ họp vào tuần tới để thảo luận về chiến lược và cách tiếp cận chung đối với Afghanistan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần