Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tầm soát và điều trị sớm ung thư đại trực tràng

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là loại ung thư thường gặp. Tiên lượng sống ở người bị ung thư đại trực tràng tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, nếu phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì việc điều trị càng hiệu quả.

Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp được điều trị thành công, thậm chí có người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.
Dạng ung thư phổ biến
Ung thư đại trực tràng là tên gọi dùng để chỉ loại ung thư xảy ra ở đại tràng - trực tràng. Trong đa số trường hợp, ung thư xuất phát từ niêm mạc (lớp trong cùng) của đại - trực tràng. Đây là loại ung thư gây tử vong cao thứ tư trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan. Ở Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 4 ở nam và thứ 3 ở nữ. Nguy hiểm là vậy như bệnh lý này có thể chữa khỏi tới 90% nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm.
 Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Phạm Hùng
TS BS. Ung Văn Việt - Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, đại trực tràng là một cấu trúc hình ống dài gồm nhiều lớp: Trong cùng là niêm mạc, tiếp đến là các lớp cơ, ngoài cùng là thanh mạc hoặc mô mỡ. Đại trực tràng thực hiện nhiều chức năng quan trọng, bao gồm việc kết thúc quá trình tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng tan trong nước, tổng hợp một số loại vitamin và chịu trách nhiệm thải các chất không cần thiết ra ngoài cơ thể, bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Ung thư đại trực tràng là ung thư phổ biến của đường tiêu hóa, việc phát hiện và điều trị khi bệnh ở giai đoạn càng sớm sẽ cho kết quả tốt trong thời gian dài. Người có tiền căn polyp tuyến, polyp răng cưa không cuống, viêm ruột, có tiền căn gia đình bị ung thư đại trực tràng, đa polyp gia đình hay polyp tuyến tiến triển là những đối tượng có nguy cơ cao. Ngoài ra, người bệnh tiểu đường hay ung thư vú cũng được xem là đối tượng dễ mắc ung thư đại trực tràng hơn người bình thường. Nhằm phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, nhiều phương pháp được đánh giá là có hiệu quả trong tầm như: Xét nghiệm phân, tìm máu ẩn trong phân, xét nghiệm DNA phân, chẩn đoán hình ảnh (chụp X- quang đại tràng cản quang, nội soi đại tràng ảo) và nội soi (nội soi đại tràng hoặc nội soi đại tràng chậu hông).

Phẫu thuật vẫn là phương pháp chủ yếu

Việc điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị... Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chủ yếu và triệt căn khi bệnh còn ở giai đoạn sớm. Do đó, ngay khi được chẩn đoán ung thư đại trực tràng, người bệnh cần nhanh chóng chọn lựa cơ sở y tế có chuyên môn cao để bắt đầu quá trình điều trị. Trừ trường hợp cấp cứu, người bệnh nên phẫu thuật trong sớm sau khi phát hiện bệnh, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và tiên lượng sống.

Ông H.V.H. (55 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh), cách đây 5 năm, ông đến khám trong tình trạng liên tục đi cầu ra máu đỏ tươi, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém. Sau khi thực hiện nội soi đại tràng, CT bụng, CT ngực, MRI vùng chậu, bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư trực tràng 1/3 giữa, giai đoạn III. Ông được thực hiện hóa trị, xạ trị trước mổ. Sau đó, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi cắt đoạn đại trực tràng, nối đại tràng và trực tràng giúp người bệnh có thể đi tiêu bình thường. Sau mổ, người bệnh được hóa trị hỗ trợ và tái khám đều đặn theo lịch của bác sĩ. Kết quả tái khám vào tháng 12/2020 cho thấy khối u không có dấu hiệu tái phát, tình trạng sức khỏe người bệnh hoàn toàn ổn định, có thể sinh hoạt và làm việc như người bình thường.

TS BS. Ung Văn Việt khuyến cáo, bên cạnh việc tầm soát và điều trị sớm, quá trình chăm sóc và theo dõi sau điều trị cũng rất quan trọng vì bệnh có thể tiếp tục tiến triển hoặc tái phát bất kỳ lúc nào. Ngay cả khi đã được điều trị triệt căn thì người bệnh vẫn có nguy cơ xuất hiện tế bào ung thư đại trực tràng mới cao hơn nhiều lần so với người bình thường. Vì vậy, người bệnh cần được tái khám định kỳ đúng lịch để được làm các xét nghiệm máu, siêu âm bụng, soi đại tràng, chụp hình cắt lớp nhằm phát hiện ung thư tái phát. Quá trình tái khám sẽ được bác sĩ lên kế hoạch cụ thể cho người bệnh. Người bệnh nên ăn nhiều rau và hoa quả, uống nhiều nước, thực phẩm chế biến từ sữa, ngũ cốc nguyên hạt. Cần hạn chế thuốc lá, rượu. Ngay khi gặp các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy…, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế đã điều trị để được thăm khám và chăm sóc kịp thời.