Tân Chủ tịch nước: Nguyện hết sức mình phụng sự Tổ quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (2/4), với đa số phiếu tán thành, Quốc hội khóa XII đã bầu ông Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an giữ cương vị Chủ tịch nước.

Kết quả kiểm phiếu do ông Huỳnh Văn Tí (đoàn Bình Thuận), Trưởng Ban kiểm phiếu trình trước Quốc hội cho biết: Tổng số đại biểu Quốc hội có mặt là 465 đại biểu. Tổng số phiếu đồng ý là 436, số phiếu không đồng ý là 29 phiếu. “Như vậy, căn cứ nội quy kỳ họp, ông Trần Đại Quang đã trúng cử làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, Trưởng Ban kiểm phiếu nói.
Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức.
Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức.
Ngay sau đó, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, với tỷ lệ 460/465 đại biểu có mặt (chiếm 93,12%) tán thành. Như vậy, ông Trần Đại Quang chính thức trở thành Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ngay sau khi được bầu giữ chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thực hiện nghi thức tuyên thệ theo quy định tại Hiến pháp 2013. Chủ tịch nước đã long trọng tuyên thệ: “Trước cờ đỏ sao vàng, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, tôi - Trần Đại Quang - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp; nỗ lực làm hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó".
>> Video Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch nước.

Phát biểu sau khi tuyên thệ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ xúc động, cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Với niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - an ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước nguyện làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Tân Chủ tịch nước khẳng định: “Kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động tích cực hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới".

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các Chủ tịch nước tiền nhiệm đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hết lòng hết sức vì đất nước, vì Nhân dân.

Phát biểu trước Quốc hội sau khi nhậm chức và tuyên thệ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, nguyện làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, chủ động tích cực hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới.
Ông Trần Đại Quang sinh ngày 12/10/1956, quê quán tỉnh Ninh Bình, ĐBQH khóa XIII, là Giáo sư, Tiến sĩ Luật, đã đảm nhiệm các chức vụ: Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh; Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Trung ương Đảng các khoá X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Chính phủ; Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Theo chương trình làm việc, cũng trong sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, một số Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Tiếp đến, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, một số Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, một số Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Sau đó, Quốc hội miễn nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, một số Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Tiếp đến, Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu; Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội; Nghị quyết miễn nhiệm một số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng dân tộc, một số Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Nghị quyết miễn nhiệm Tổng kiểm toán Nhà nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần