Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam (VAFIE) xung quanh câu chuyện thu hút đầu tư Mỹ vào Việt Nam.
Việt Nam là điểm đến cho cơ hội
Thưa ông, trong tuần qua, nhiều tập đoàn rất lớn của Mỹ, được gọi như các DN "đại bàng" tới thăm Việt Nam có phải là cơ hội và đánh dấu bước ngoặt trong việc thu hút FDI từ Mỹ?
- Thu hút FDI đang đứng trước bài toán rất khó, làm sao để mang về nhiều vốn, nhưng đảm bảo mục tiêu có dự án lớn, công nghệ cao, tạo sức lan tỏa, bảo vệ môi trường, chưa kể phải đáp ứng cả tiêu chí có thể chuyển giao công nghệ… Với 52 DN Mỹ lớn nhất từ trước đến nay sang Việt Nam, đây thực sự là cơ hội tốt cho Việt Nam.
Hiện nay, ngoài các NĐT có vai trò chiến lược như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…, điều Việt Nam cần quan tâm là thu hút nhiều hơn các NĐT đến từ châu Âu và Mỹ, để đa dạng hóa vốn FDI, cũng như nâng cao chất lượng dòng vốn này.
Dòng vốn đầu tư từ Mỹ có thể cải thiện chất lượng và hiệu quả của vốn FDI vào Việt Nam để đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển sang định hướng đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ, xây dựng nền kinh tế số, thúc đẩy cuộc CMCN 4.0.
Ông nhận xét gì về dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam thời gian qua? Điều gì thu hút các DN Mỹ tới Việt Nam?
- Có một thực tế hiện nay đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam còn thấp, trong khi nhiều DN Mỹ lại cho biết vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam không thấp như con số thống kê vì nhiều DN Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam thông qua một nước thứ ba.
Cụ thể, một số tập đoàn Mỹ đã lập DN ở Singapore, Hong Kong hoặc các nước châu Âu để gián tiếp đầu tư vào Việt Nam. Đây đều là những thiên đường thuế. Dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo các chuyên gia quốc tế thì nguồn đầu tư đó ra nước ngoài cũng khá nhiều.
Và có thể nhân thời điểm áp thuế tối thiểu toàn cầu (sẽ không còn ưu đãi thuế dưới 15%), các DN Mỹ muốn tìm tới Việt Nam để đầu tư trực tiếp luôn chứ không qua trung gian như trước đây.
Hầu hết các tập đoàn Mỹ đến Việt Nam lần này có doanh thu rất lớn, thuộc diện áp thuế tối thiểu toàn cầu, chịu chi phối bởi loại thuế này với mức tối thiểu là 15% lợi nhuận kinh doanh.
Vì thế các tập đoàn hàng đầu của Mỹ phải đi thăm dò địa điểm mới bởi khi áp thuế tối thiểu toàn cầu, nếu các tập đoàn Mỹ đầu tư vào các thiên đường thuế (có ưu đãi thuế gần như bằng 0) sẽ không còn ý nghĩa nữa.
Chắc chắn môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ tốt hơn các thiên đường thuế vì cho dù đến Việt Nam, các NĐT Mỹ cũng sẽ phải đóng 15% thuế tối thiểu toàn cầu nhưng họ hy vọng Việt Nam sẽ có những chính sách ưu đãi ngoài những ưu đãi thuế.
Tại Diễn đàn DN Việt Nam thường niên năm 2023 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định Việt Nam sẽ tham gia thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024.
Triển vọng dài hạn khi đầu tư tại Việt Nam vẫn là những nhân tố “níu kéo” DN FDI nói chung và DN Mỹ nói riêng khi Việt Nam từng bước chuyển dịch chiến lược phòng chống Covid-19 cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, dân số, sức mua thị trường, thị trường rộng lớn ở nội địa và hội nhập thế giới…
Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 FTA với khoảng 60 nền kinh tế và đang tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Việt Nam cũng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các NĐT nước ngoài do có vị trí địa lý thuận lợi…
Thu hút “đại bàng” về làm tổ lan tỏa chuỗi cung ứng
Việt Nam cần tận dụng dòng vốn từ Mỹ như thế nào?
- Dòng vốn FDI của Mỹ chảy vào Việt Nam nhiều hơn sẽ giúp nâng cao mức sống cũng như hình ảnh đất nước như một điểm đến thân thiện để đầu tư.
Đặc biệt, sự hiện diện của các NĐT tên tuổi Mỹ tại Việt Nam sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ để thu hút các công ty của Mỹ và giới đầu tư các nước khác vào Việt Nam.
Đầu tư của Mỹ thường có quy mô rất lớn và đưa vào các lĩnh vực công nghệ cao. Các NĐT Mỹ tập trung vào một số lĩnh vực phù hợp với chiến lược Việt Nam như ngành công nghiệp vũ trụ, năng lượng tái tạo, điện tử…
Dòng vốn FDI từ Mỹ đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam với những dự án quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, góp phần tạo dựng cho Việt Nam chỗ đứng vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hầu hết các tập đoàn lớn của Mỹ đều đã có mặt tại Việt Nam như ExxonMobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Nike, Amazon và P&G...
Chưa kể, DN Mỹ có tiêu chuẩn về môi trường, hướng đến xã hội cao, điều này phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam.
Một điểm mạnh từ dòng vốn của Mỹ đó là hiệu ứng lan tỏa. Tại nhiều DN cho thấy, họ sử dụng rất nhiều quản lý cấp trung, cao cấp là người Việt Nam.
Đồng thời, họ có sự liên kết với các DN trong nước cũng khá cao. Bài toán là làm sao để DN Việt tận dụng được lợi thế, tham gia vào chuỗi cung ứng thông qua FDI cũng là điều cần quan tâm.
Dư địa thu hút FDI từ Mỹ, ông quan tâm đến vấn đề nào?
- Trong đoàn các DN Mỹ sang Việt Nam kỳ này, tôi quan tâm những tên tuổi lớn trong ngành máy bay, giải trí, ngân hàng, năng lượng.
Nhiều NĐT điện gió của Mỹ quan tâm đến Việt Nam bởi chiến lược Việt Nam lựa chọn đầu tư theo hướng giảm phát thải ròng, năng lượng tái tạo.
Chuyến đi này của Boeing cũng là cơ hội lớn để đặt vấn đề sâu hơn trong kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay.
Ngoài ra, về lĩnh vực dịch vụ, 2 tên tuổi Netflix và SpaceX thật ra là nhắm đến thị trường đông, trẻ, nhu cầu giải trí cao của Việt Nam.
Họ đến Việt Nam để bán dịch vụ, nhưng nếu có mặt các tên tuổi này, cơ hội cho người có nhu cầu hưởng các dịch vụ cao, hiện đại là rất lớn. Đây cũng là cơ hội để điện ảnh Việt Nam có thể bán, giới thiệu phim của mình ra thế giới…
Hạ tầng cứng và cơ chế mềm
Đón làn sóng FDI của Mỹ không chỉ có Việt Nam mà còn có các nước khác như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia...? Làm cách nào để thu hút FDI nói chung và dòng vốn từ Mỹ nói riêng?
- Không chỉ các nước đang phát triển, những nước đã phát triển rồi cũng vẫn có nhu cầu thu hút vốn từ những tập đoàn lớn.
Để thu hút mạnh hơn vốn FDI nói chung và các tập đoàn từ Mỹ, Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải thực hiện.
FDI thế hệ mới vào Việt Nam cần môi trường thể chế minh bạch, hạ tầng phát triển, lao động chất lượng cao.
Cụ thể, đó là cơ sở hạ tầng, khả năng đáp ứng của các DN nội địa, khả năng đối thoại, trao đổi với các cơ quan chức năng.
Ngoài những lợi thế lâu nay thường được nói tới, Việt Nam cũng cần thay đổi các yếu tố khác như thủ tục hành chính, đặc biệt là nâng chất nguồn nhân lực.
DN Mỹ đến Việt Nam đầu tư hầu như không mang theo nhân lực như một số quốc gia khác nên cần chuẩn bị tốt khâu này nếu muốn đón được dòng vốn chất lượng cao từ các "đại bàng".
Cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách liên quan đến thuế nhập khẩu, các chính sách, quy hoạch phát triển khu công nghiệp cũng như nâng cao năng suất lao động.
Chính sách ưu đãi đầu tư cần được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với định hướng thu hút FDI mới và cuộc cạnh tranh trong khu vực…
Nhanh chóng rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp, theo kịp biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới.
Ngoài ra, một số chính sách ưu đãi trong thu hút vốn FDI cũng có thể xem xét riêng nếu như tập đoàn nào có kế hoạch đầu tư lớn, mang công nghệ cao vào Việt Nam.
Kinh nghiệm thu hút FDI của Ấn Độ cho thấy, muốn hấp dẫn được “đại bàng” về làm tổ phải có chiến lược cụ thể cho từng đối tác, không nên đưa ra mục tiêu chung chung.
Với địa phương và các DN cần chuẩn bị gì?
- Yếu tố chất lượng của dòng vốn đầu tư cũng cần được các địa phương quan tâm, không còn cạnh tranh bằng giá rẻ nữa mà cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh.
Nâng cao các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số cạnh tranh về hiệu quả và năng lực hành chính công PAPI; đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế và cả nhà ở cho công nhân.
Đối với các DN, cơ hội không thiếu nếu bản thân DN nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư công nghệ, tài chính, quy trình, dịch vụ để có thể tham gia, kết nối vào chuỗi cung ứng của các DN FDI.
Xin cảm ơn ông!
Mỹ đang thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng “tự chủ, an toàn”. Theo đó, họ nhắm đến các quốc gia là đối tác “thân thiện” và giảm việc quá phụ thuộc chuỗi cung ứng vào một quốc gia nào đó nên dịch chuyển, tìm kiếm điểm đầu tư mới. Việt Nam là một lựa chọn hấp dẫn.
Năm 2022, Việt Nam đã trở thành 1 trong 8 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Kinh doanh với Việt Nam được chờ đợi sẽ trở thành một xu hướng của các DN Mỹ trong bối cảnh các căng thẳng, tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn