Tận dụng cơ hội trong hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sẽ không còn chỗ đứng cho DN chậm đổi mới, không bắt kịp với xu thế thị trường, cho dù đó là DN Nhà nước (trừ các DN có đóng góp thực sự cho ngân sách). Và DN tư nhân, DN ngoài quốc doanh có nhiều cơ hội vươn lên.

Nhu cầu chia sẻ thông tin tiếp tục lớn hơn

Tại Hội thảo “Tình hình hội nhập kinh tế quốc tế tác động đến thu hút đầu tư, phát triển thương mại đối với địa phương và DN” do Hiệp hội DN vừa và nhỏ (DNVVN) TP Hà Nội tổ chức ngày 27/11, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) Trịnh Minh Anh nhấn mạnh, với việc cùng lúc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), bên cạnh việc nắm bắt những cơ hội của xu thế hội nhập đang diễn ra sâu rộng cũng là cơ hội để tạo bước chuyển căn bản trong tái cơ cấu nền kinh tế.
Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. 	Ảnh: Chiến Công
Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Chiến Công
Điều đó xuất phát từ việc sản xuất, kinh doanh của DN không còn bị giới hạn trong lãnh thổ mỗi quốc gia. Chính vì thế, với việc ký kết hàng loạt FTA, Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành vào ngày 31/12 tới, năm 2015 được coi là năm bản lề đặt ra trong thời gian tới Việt Nam phải thay đổi chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, tuân thủ các điều cam kết để giúp cộng đồng DN hội nhập tốt nhất.

Trước xu thế đó, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNVVN (Sở KH&ĐT Hà Nội) Phạm Minh Nghĩa chia sẻ, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ DN phát triển kinh doanh. Hà Nội là một trong những điểm sáng trong việc sẵn sàng lắng nghe và cùng đồng hành với DN tháo gỡ những khó khăn khi kinh tế Thủ đô hội nhập sâu, rộng hơn.

Xu thế tất yếu
Sức nóng hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang rõ hơn, nếu không tận dụng cơ hội thì kinh tế Việt Nam sẽ bị những DN, tập đoàn nước ngoài thâu tóm. Và lúc đó chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.
Ông Mạc Quốc Anh -  Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DNVVN TP Hà Nội

Đi sâu về vấn đề DN, nhất là DNVVN đang cần, ông Anh cho rằng, hiện tại, giá hàng hóa đã giảm và có thể tiếp tục giảm khi hội nhập sâu rộng. Chính vì thế, đang diễn ra cuộc cách mạng về sở hữu… DN trong nước không nên quá băn khoăn trước thực trạng DN nước ngoài mua, góp vốn vào những DN, tập đoàn trong nước. Cái chính là cơ quan quản lý và các DN chuẩn bị thế nào để đón nhận và tận dụng các cơ hội. “DN hoàn toàn có thể hy vọng vào các hiệp định được ký kết để tận dụng các cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh” – ông Anh chia sẻ. Tuy nhiên, những lợi thế đó chỉ có thể kéo dài trong khoảng 10 năm đầu. Về lâu dài, DN trong nước nếu muốn hưởng lợi thế phải tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn khi họ đầu tư vào Việt Nam.

Trong khi đó, những vấn đề hội nhập của Việt Nam sau năm 2016, mối lo các DN rơi vào bẫy thu nhập thấp, quản lý Nhà nước rơi vào vòng luẩn quẩn cũng là nội dung đáng quan tâm. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Tất Thịnh - giảng viên Trung tâm Đào tạo doanh nhân, 5 nhóm tiêu chí chính để thể hiện có thu hút được đầu tư hay không là: Môi trường chính trị - xã hội; Năng lực kinh tế đất nước; Hệ thống các dịch vụ hỗ trợ và hệ thống; Năng lực và chất lượng của DN; Mức độ hội nhập quốc gia. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, DN phải chú ý đến vấn đề tam nông, hướng tới thị trường khu vực nông dân, khách hàng nông dân, lĩnh vực nông nghiệp. Bởi, thực tế các nước phát triển luôn quan tâm và dùng công nghệ để đầu tư cho lĩnh vực này. Ông Thịnh cũng chỉ ra rằng, cách nhìn nhận về ngành dệt may chiếm lợi thế, còn chăn nuôi, nông nghiệp gặp nhiều bất lợi là không thực tế. Bởi, ngành dệt may đang phải nhập nguồn nguyên liệu từ sợi, dệt, nhuộm… Do đó, chính ngành nông nghiệp mới có lợi thế, cụ thể là chăn nuôi mới đang thu hút được sự đầu tư của nước ngoài vì có lợi thế về con người, đất đai, thiên nhiên…

Dự báo kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, một số chuyên gia cho rằng, khi hội nhập, số lượng DNVVN sẽ gia tăng, thậm chí quy mô DN sẽ còn nhỏ hơn nữa và điều đó phù hợp với quy luật. DN sẽ địa phương hóa hơn và tính liên kết được tăng quan tâm theo hướng liên kết hàng dọc với DN lớn để nâng cao năng lực, tạo lợi thế cạnh tranh và liên kết hàng ngang nhằm giải quyết những hạn chế mang tính tương đối, ngắn hạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần