Tận dụng tối đa nguồn lực từ đất đai

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh và thị trường bất động sản hoạt động chưa lành mạnh, việc sử dụng đất đai trên địa bàn Hà Nội đang còn nhiều tồn tại, vướng mắc.

Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm có những giải pháp hữu hiệu, nhất là việc quy hoạch sử dụng đất phải sát thực tiễn để phát huy nguồn lực đất đai có hạn vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế phát triển

PGS.TS Vũ Thị Minh - trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, qua nghiên cứu, so sánh số liệu sử dụng đất thực tế năm 2020 với số liệu quy hoạch được duyệt tại Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 9/1/2013 của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 - 2015 của TP Hà Nội, cho thấy có sự chênh lệch đáng kể ở một số loại đất.

Cụ thể, trong khi diện tích nhóm đất nông nghiệp thực tế giảm chậm hơn so với diện tích quy hoạch 46.212ha (tương ứng với 23,9%) thì riêng diện tích đất lâm nghiệp có rừng lại giảm rất nhanh trong 10 năm qua và diện tích thực tế còn lại năm 2020 thấp hơn so với diện tích quy hoạch l6.374ha (tương ứng với 31,3%).

Diện tích nhóm đất phi nông nghiệp thực tế thấp hơn so với diện tích quy hoạch 43.999ha (tương ứng với 32,6%); trong khi đó đất ở đô thị thực tế lại tăng so với quy hoạch 1.592ha (tương ứng với 14,3%), đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cũng tăng 8.840 ha (tương ứng với 49,9%).

Dự án bỏ hoang nhiều năm tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: Doãn Thành
Dự án bỏ hoang nhiều năm tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: Doãn Thành

Từ các con số nghiên cứu trên cho thấy, quy hoạch sử dụng đất chưa dự báo sát với nhu cầu thực tiễn phát triển của TP, hoặc là công tác quản lý thực hiện quy hoạch chưa tốt dẫn đến không thực hiện theo đúng quy hoạch được duyệt. Việc quy hoạch chuyển dịch từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp chưa sát và quá nhanh so với thực tiễn phát triển. Việc này đã góp phần dẫn đến thu hồi đất nông nghiệp sớm hơn nhiều so với nhu cầu, làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phân dân cư nông thôn.

“Cùng với một số bất cập trong công tác quy hoạch có liên quan, cụ thể là quy hoạch xây dựng và một số chính sách liên quan đến đất đai nên quy hoạch sử dụng đất chưa có tác động định hướng các tổ chức, DN, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất phi nông nghiệp và đất đô thị một cách tiết kiệm, hiệu quả. Quy hoạch chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp quá nhanh trong giai đoạn vừa qua cũng góp phần tác động làm phát sinh một số vấn đề trong thị trường đất đai, bất động sản trên địa bàn TP Hà Nội” - PGS.TS. Vũ Thị Minh nêu.

Giám sát chặt việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Nhằm huy động hiệu quả tối đa và bền vững nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội những năm tới, theo các chuyên gia, một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch liên quan. Cần có các quy định và sự giám sát chặt chẽ về việc lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc thu hồi đất đai và việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách có cơ sở khoa học, hạn chế tối đa sự can thiệp chủ quan của bộ máy chính quyền địa phương các cấp.

Trước hết, việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo chất lượng, trong đó đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn để hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hoặc định hướng chuyển đổi đất quá mức gây lãng phí trong thời gian dài và tạo cơ hội cho các hoạt động đầu cơ đất, nhất là ở các khu vực giáp ranh đô thị - nông thôn.

Trên cơ sở nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch liên quan như quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; quy hoạch phát triển quận, huyện…, cần có những quy định, chế tài đủ mạnh để đảm bảo thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó gắn chặt trách nhiệm của cá nhân, tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch và mục đích sử dụng đất chỉ được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt, có phạm vi và mức độ ảnh hưởng lớn trong toàn vùng hoặc quốc gia và phải được quy định cụ thể, chặt chẽ.

Để sử dụng nguồn lực đất đai khan hiếm một cách tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, theo PGS.TS Vũ Thị Minh, quy hoạch sử dụng đất và các chính sách liên quan cần đảm bảo hạn chế tối đa việc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp nhằm bảo vệ đất nông nghiệp. Bởi đất đai vừa là tư liệu lao động, vừa là đối tượng lao động, đồng thời chúng có vai trò đặc biệt trong cung cấp lương thực thực phẩm và môi trường sống cho các thế hệ mai sau.

Cùng đó, khuyến khích tối đa việc sử dụng đất đô thị tiết kiệm, hiệu quả thông qua gia tăng hệ số sử dụng đất như nhà ở cao tầng, trụ sở, công trình sự nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ cao tầng, công xưởng và công trình hạ tầng cao tầng được ngầm hóa… một cách phù hợp.

Nhằm quản lý và khai thác tốt quỹ đất để xây dựng đô thị và phát triển kinh tế đô thị, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, TS. Lê Văn Hoạt cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là cần chủ động kiểm soát, điều tiết đảm bảo thị trường bất động sản phát triển cân đối cung - cầu, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch. Kiểm soát chặt chẽ quy trình chuyển đổi đất thành đất đô thị. Hạn chế thực hiện cơ chế giao đất thu tiền một lần. Đặc biệt, cần rà soát và có phương án xử lý thật kiên quyết (thu hồi, chuyển chủ đầu tư …) với những dự án khu đô thị, khu nhà ở bỏ hoang hoá hoặc triển khai chậm tiến độ.

 

Đến nay, 16/18 huyện và thị xã của Hà Nội đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030. Còn hai huyện Sóc Sơn và Chương Mỹ đang khẩn trương hoàn thành các bước cuối cùng để trình TP phê duyệt trong thời gian tới. Ngày 10/3 vừa qua, Chính phủ đã có quyết định phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025. Căn cứ chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ, UBND TP chỉ đạo Sở TN&MT cùng với các huyện rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để phù hợp với phương án phân bố sử dụng đất đai theo đúng quy định - Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Bùi Duy Cường

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần