Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tân Long Group đưa gạo Việt chinh phục thế giới

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiếm lĩnh thị trường trong nước và bước ra thế giới, Tân Long Group là đơn vị sản xuất và xuất khẩu gạo A AN - thương hiệu gạo đầu tiên của Việt Nam đăng ký bán lẻ tại thị trường Nhật Bản… Đây là chiến lược mà Tân Long Group mong hạt gạo Việt Nam vươn ra thế giới.

Khác biệt vượt khó khăn

Được thành lập từ năm 2000, Công ty CP Tập đoàn Tân Long (Tân Long Group) luôn mang theo niềm tin và khát vọng nâng cao thương hiệu nông nghiệp Quốc gia. DN hiểu rằng: Uy tín là nền tảng vững chắc và là kim chỉ nam để DN mang đến những giá trị vượt trội cho cộng đồng và xã hội.

Gạo A AN được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại, kiểm soát nghiêm ngặt về điều kiện chất lượng và an toàn thực phẩm. Ảnh: Khắc Kiên
Gạo A AN được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại, kiểm soát nghiêm ngặt về điều kiện chất lượng và an toàn thực phẩm. Ảnh: Khắc Kiên

Trải qua chặng đường 20 năm không ngừng hoàn thiện và phát triển, Tân Long hiện nay là thương hiệu uy tín, mang vị thế hàng đầu trên thị trường nông sản. Phó Tổng Giám đốc Tân Long Group Nguyễn Chánh Trung cho biết, để làm được điều đó, DN phải nghiên cứu chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn, đặc biệt luôn duy trì tinh thần khởi nghiệp, và tạo ra những sản phẩm mang tính khác biệt là những kinh nghiệm để DN vượt qua thách thức, thích ứng với những thay đổi của thị trường...

Theo ông Nguyễn Chánh Trung, DN luôn nỗ lực hết mình vì các mục tiêu và lợi ích chung, làm việc bằng cả trái tim và phát huy hết năng lực bản thân. Thực hiện sứ mệnh “Tỏa sáng cùng Nông nghiệp Việt”, trở thành Tập đoàn dẫn đầu về Nông nghiệp Xanh - Sạch - Phát triển bền vững.

Tập đoàn cũng không ngừng mở rộng về quy mô hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. “Những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế do Tân Long cung cấp sẽ là món quà ý nghĩa mà DN gửi tới người tiêu dùng tại Việt Nam và trên khắp thế giới” - doanh nhân tự hào.

Tận dụng triệt để cơ hội

Dù ghi nhận những bước chuyển dịch từ năm 2022, song Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long nhớ lại thời điểm bắt nguồn cho những sự thay đổi đó là vào năm 2019 khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu gạo A AN.

Khi đó, sản phẩm vừa ra mắt đã gặp phải làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên, buộc DN phải nghĩ đến số hóa, tái cấu trúc, vừa ứng dụng các nền tảng số vào quản trị. Với sản phẩm gạo A AN, khi đưa vào thị trường Nhật Bản, DN đã cố gắng tăng thêm giá trị gia tăng vào sản phẩm, kết hợp giới mô hình lúa thơm của Việt Nam, tương tự với lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự sáng tạo như vậy.

Trong bối cảnh nhiều DN không có cơ chế để đưa sản phẩm ra thị trường, ông Nguyễn Chánh Trung cho rằng, nhờ các định hướng trên, Tân Long Group đã tận dụng được cơ hội, từ đó càng nhận diện rõ hơn về chuyển đổi số và xây dựng các nền tảng quản trị bài bản rất quan trọng.

Cùng với đó, từ năm 2020 - 2021, tập đoàn này phải định hình lại chiến lược hoạt động, xác định lĩnh vực bán buôn có nhiều yếu tố bên ngoài tác động, đơn cử như thời điểm vừa qua là chiến tranh Nga - Ukraine, thay đổi về các quy định của thị trường vốn, tỷ giá tăng.

“Những yếu tố này khiến DN phải chủ động thu hẹp lĩnh vực bán buôn, tập trung đầu tư cho mảng nông nghiệp và chăn nuôi. DN biết là đang chọn ngành khó, hơn nữa còn phải cạnh tranh với các DN FDI khiến ban lãnh đạo tập đoàn cũng có nhiều trăn trở” - ông Nguyễn Chánh Trung chia sẻ.

Bên cạnh vấn đề nguồn lực thì trong quá trình xây dựng chiến lược kinh doanh mới, tái cấu trúc, DN còn phải đối mặt với vấn đề dôi dư lao động. Trong khi, Tân Long hiện không thâm dụng lao động phổ thông mà chủ yếu sử dụng lao động từ cấp chuyên viên, cán bộ có trình độ cao, với khoảng gần 4.000 cán bộ của DN hiện có trình độ cao.

Một trong những dấu ấn tạo nên sự khác biệt của Tân Long đó là sản phẩm heo ăn chay đã ra mắt thị trường từ tháng 10/2022. Sản phẩm cam kết nguyên liệu đầu vào cho heo là ăn đạm thực vật, không có yếu tố từ các nguồn tận thu từ giết mổ vì ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

“Bài học của chúng tôi là luôn duy trì tinh thần khởi nghiệp, Tân Long vẫn đang trong quá trình khởi nghiệp, vẫn đang tái cấu trúc DN, đó là định hướng lại chiến lược, ưu tiên nguồn vốn cho xây dựng chuỗi giá trị thực sự” - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long khẳng định.

Về kế hoạch cụ thể, với ngành lúa gạo, hiện DN đang xây dựng chuỗi giá trị lớn kết hợp với người nông dân để đầu tư, bước đầu đã kêu gọi nguồn vốn tài trợ. Còn trong ngành chăn nuôi đó là không quá lệ thuộc vào các nguồn vốn vay, cũng như chủ động hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế.

“Ở Tân Long luôn có tinh thần khởi nghiệp, bởi vì DN phải tự bán, tự phân phối sản phẩm của mình, vì thế phải tạo ra sự khác biệt. Trên thị trường có rất nhiều DN chăn nuôi đã làm điều này từ 20 năm nay. Mới đang ở top 5, DN đang có định hướng trong năm 2023 sẽ lọt vào top 3 với quy mô đàn heo khoảng 6 triệu con” - ông Nguyễn Chánh Trung kỳ vọng.

 

Tân Long Group hiện có hơn 2.500 nhân viên làm việc tại các công ty thành viên và chi nhánh kéo dài từ Bắc vào Nam, trong nước và nước ngoài. Lĩnh vực hoạt động của DN bao gồm: Cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi; sản xuất - kinh doanh gạo; xuất khẩu - nhập khẩu hạt; khai thác và chế biến khoáng sản - sản xuất hóa chất; sản xuất cơ khí công nghệ cao.