Tăng câu hỏi mở, giúp học sinh phát triển năng lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ý kiến cho rằng, đổi mới phương pháp dạy và học, trong đó giáo viên tăng cường đặt câu hỏi cho học sinh (HS), câu hỏi mở, phong phú… sẽ hiệu quả trong việc giúp phát triển năng lực HS.

Cô Bùi Thị Ngọc Lan - giáo viên Ngữ văn, trường THPT Hoàng Cầu khẳng định, câu hỏi trong dạy học như một cây cầu dẫn HS đến với thế giới tri thức một cách chủ động.

“Trong các phương pháp dạy học tích cực, giáo viên thường phải sử dụng câu hỏi để gợi mở, dẫn dắt HS tìm hiểu, khám phá thông tin, kiến thức, kỹ năng mới, để đánh giá kết quả học tập của HS. Bên cạnh đó, HS cũng phải sử dụng câu hỏi để hỏi lại, hỏi thêm giáo viên và các HS khác về những nội dung bài học chưa sáng tỏ. Sử dụng câu hỏi có hiệu quả đem lại sự hiểu biết lẫn nhau giữa HS với giáo viên, giữa HS với HS. Kỹ năng đặt câu hỏi càng tốt thì mức độ tham gia của HS trong giờ học càng nhiều, HS sẽ học tập tích cực hơn. Kỹ năng đặt câu hỏi theo hướng dạy học cũ và hướng dạy học phát triển năng lực của HS có một số điểm khác biệt. Cụ thể, phương pháp dạy học cũ chú trọng nội dung, trong khi phương pháp đặt câu hỏi theo phương pháp tích cực chú trọng phát triển năng lực HS.

Về mục tiêu, câu hỏi theo phương pháp cũ hướng đến kiểm tra, đánh giá, củng cố nội dung kiến thức cơ bản. HS không nhất thiết phải quan sát đánh giá, nội dung bài học. Câu hỏi trong phương pháp mới giúp HS phát huy năng lực tư duy, đồng thời, giáo viên cũng có thể đánh giá được mức tiến bộ của trò. Phương pháp mới không chỉ đảm bảo kiến thức chuẩn mà kiến thức bộ môn được mở rộng tích hợp với các vấn đề khoa học khác gắn với tình huống thực tiễn. Câu hỏi phát huy được các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và phân loại được HS. Về phương pháp đặt câu hỏi, phương pháp cũ chủ yếu tập trung vào người giáo viên hỏi, HS trả lời và tiếp thu một cách thụ động. Kỹ năng đặt câu hỏi còn dập khuôn, đơn điệu, gò bó. Với phương pháp mới, hệ thống câu hỏi có sự tương tác giữa giáo viên và HS và giữa các HS với nhau để từ đó phát triển tư duy đa chiều, đặc biệt chú trọng phát triển các năng lực giải quyết vấn đề, giao tiếp… Kỹ năng đặt câu hỏi đa dạng được lồng ghép trong các phương pháp dạy học tích cực như thảo luận nhóm, dự án, trải nghiệm sáng tạo”.