Tăng cholesterol và bệnh tim mạch

PGS.TS. BS Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng cholesterol trong máu là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa và dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim.

Đặc biệt, khi cả cholesterol và triglyceride cùng gia tăng thì nguy cơ này cao hơn gấp nhiều lần và thúc đẩy nhanh hơn quá trình xơ vữa động mạch, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng gây thiếu máu cơ tim, nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim.

Các dấu hiệu cảnh báo

Có đến 90% trường hợp nhồi máu cơ tim là do biến chứng của mảng xơ vữa. Cholesterol trong máu cao sẽ lắng đọng ở bề mặt nội mô và lớp cơ trơn, tạo nên những mảng xơ vữa, làm hẹp và tắc mạch máu. Ngoài ra, thành mạch cũng trở nên xơ cứng, nội mô thô nhám, dễ hình thành cục máu đông.

Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Thu Cúc. Ảnh: Trần Anh
Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Thu Cúc. Ảnh: Trần Anh

Các nghiên cứu nhận thấy, người có lượng cholesterol trong máu cao có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành (mạch máu nuôi tim) cao gấp 2 - 3 lần so với người bình thường. Lipoprotein tỷ trọng thấp - LDL trong máu cao tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch và dễ gây biến chứng.

Ngược lại, lipoprotein tỷ trọng cao - HDL trong máu cao thì tỷ lệ xơ vữa động mạch thấp. Nếu làm giảm 1mg/dL LDL thì giảm được 2% tỷ lệ tử vong. Nếu mức HDL tăng 1%, thì sự nguy hiểm của bệnh tim mạch giảm 2 - 3%.

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch: Đau thắt ngực hoặc cảm giác khó chịu vùng ngực: Cảm giác như bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức hoặc đau... kéo dài từ vài phút đến vài chục phút. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức và giảm khi nghỉ.

Người bệnh có cảm giác khó chịu ở những vị trí khác: Có thể đau hoặc tức lan ra 1 hay 2 bên cánh tay, hướng ra sau lưng, lên cổ, hàm, thậm chí ở vùng dạ dày. Ngoài ra, người bệnh còn có các dấu hiệu: Khó thở (có thể kèm hoặc không kèm với tức ngực); vã mồ hôi, buồn nôn hay đau đầu... Một số trường hợp đau không điển hình hoặc không đau có thể gặp như mệt lả, khó thở, buồn nôn, nôn, đau lan ra sau lưng hay lên hàm...

Phòng ngừa và điều trị

Chế độ ăn cân bằng và hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp làm giảm nồng độ cholesterol trong máu. Tuy nhiên, yếu tố di truyền cũng yếu tố gây ảnh hưởng đến tình trạng cholesterol cao. Trường hợp này phải dùng thuốc. Bác sĩ thường sẽ cho dùng các thuốc statin, ví dụ như simvastatin, lovastatin, atorvastatinm và rosuvastatin, để làm giảm cholesterol. Những loại thuốc này làm giảm lượng cholesterol mà gan sản xuất.

Statin có một số tác dụng phụ bao gồm cả đau nhức cơ. Đau nhức cơ dạng này thường vô hại, nhưng trong một vài trường hợp hiếm gặp, statin có thể gây tổn thương cơ hay suy nhược. Nếu như cảm giác thấy không thể nào chịu được các cơn đau thì nên báo ngay cho bác sĩ trước khi dừng sử dụng thuốc.

Những người không đạt được nồng độ cholesterol mục tiêu sau khi sử dụng statin có thể sẽ cần liều statin cao hơn hay dùng thêm các thuốc khác. Các thuốc khác bao gồm ezetimibe và ít gặp hơn là fibrate hay niacin.

Theo hướng dẫn mới thì thuốc ức chế PCSK9 cũng được sử dụng, như là evolocumab (Repatha). Thuốc ức chế PCSK9 rất đắt tiền, do đó bác sĩ cũng cần phải cân nhắc trước khi chỉ định chúng.

Lối sống và chế độ ăn uống là những cách quan trọng phòng chống và điều trị cholesterol cao. Các lựa chọn bao gồm chế độ ăn tốt cho tim mạch, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Chế độ ăn tốt cho tim mạch bao gồm giảm tối đa hàm lượng chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol nạp vào cơ thể, và ăn nhiều trái cây, rau củ, nhiều chất xơ, uống nhiều nước và ăn các ngũ cốc nguyên hạt. Nên hạn chế hay bỏ hoàn toàn các thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều carbohydrate, và các thức ăn đóng hộp hay thức ăn không đem lại giá trị dinh dưỡng tốt.

Những người thừa cân hay béo phì có nguy cơ cao mắc phải mỡ máu cao và bệnh tim. Giảm cân có thể giúp làm giảm LDL, cholesterol toàn phần, và lượng triclygeride. Giảm cân cũng giúp làm tăng HDL, và từ đó có thể giúp loại bỏ LDL ra khỏi máu. Lối sống ít vận động thể chất là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim. Tập thể dục và vận động thường xuyên giúp làm giảm LDL, tăng HDL và giảm cân. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo mỗi người nên có khoảng 150 phút vận động thể chất vừa - nặng mỗi tuần.

 

Những người thừa cân hay béo phì có nguy cơ cao mắc phải cholesterol cao và bệnh tim. Giảm cân có thể giúp làm giảm LDL, cholesterol toàn phần, và lượng triclygeride. Giảm cân cũng giúp làm tăng HDL, và từ đó có thể giúp loại bỏ LDL ra khỏi máu. Lối sống ít vận động thể chất là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim. Tập thể dục và vận động thường xuyên giúp làm giảm LDL, tăng HDL và giảm cân.