Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự, ATGT đường sắt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường sắt thời gian qua...

Kinhtedothi - Trong bối cảnh tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường sắt thời gian qua diễn biến phức tạp, tai nạn đường sắt có chiều hướng gia tăng, ngày 11/3, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có công văn đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự, ATGT đường sắt.

Theo thống kê, tính riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi đã xảy ra 10 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 9 người, bị thương 3 ng­ười. Các vụ tai nạn đường sắt xảy ra chủ yếu tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (đường ngang), nhất là đường ngang dân sinh. Nguyên nhân gây tai nạn phần lớn do người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành đúng các quy định về trật tự ATGT đường bộ khi vượt qua đường sắt.
Hiện trường vụ tai nạn giữa tàu bắc nam và xe
Hiện trường vụ tai nạn xảy đêm qua (10/3) giữa  tàu khách SE5 và xe đầu kéo BKS 75C-031.99 kéo rơ móc BKS 75C-00185.
Đáng lưu ý, vào lúc 21 giờ 41 phút đêm qua (10/3), tại  Km 639+750 trên đường sắt Bắc - Nam thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, tàu khách SE5 do đầu máy số hiệu D19E-968 kéo, chạy hướng Bắc - Nam đã đâm vào ô tô đầu kéo BKS 75C-031.99 kéo rơ móc BKS 75C-00185 đang chở đá băng qua đường sắt, hậu quả làm 1 người chết và 3 người bị thương.

Để bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Bộ GTVT Chỉ đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn, sửa chữa đường sắt bảo đảm thông tuyến trong thời gian sớm nhất; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình nạn nhân tử vong và nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.

Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam tăng cường giám sát việc thực hiện quy trình, quy phạm ATGT đường sắt của đội ngũ nhân viên gác đường ngang; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang; bố trí cảnh giới tại các đường ngang có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn; tuyên truyền hướng dẫn quy tắc ATGT đường bộ khi vượt đường sắt cho người tham gia giao thông. Đồng thời, chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan có liên quan rà soát các vị trí đường ngang không người gác (đường ngang cảnh báo tự động, đường ngang biển báo) để cắm biển báo hiệu phù hợp.

Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền hình, phát thanh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, nhất là quy tắc giao thông khi đi qua đường sắt và cảnh báo các nguy cơ, hậu quả tai nạn giao thông tại các đường ngang đường sắt trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có đường sắt đi qua khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh, thành phố trong việc bảo đảm trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép. Chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với Thanh tra giao thông, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nắm vững giờ tàu qua địa bàn để tăng cường công tác kiểm tra tại các đường ngang có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động để phát hiện, xử lý vi phạm (đóng mở chắn, hoạt động của thiết bị) và xử phạt vi phạm quy tắc giao thông khi đi qua đường sắt đối với người tham gia giao thông đường bộ.

Đối với đường ngang không có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động mà có mật độ phương tiện giao thông cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tại nạn thì phải tổ chức cảnh giới, bảo đảm an toàn. Đối với các đường ngang trong đô thị đẩy nhanh việc thực hiện phương án kết nối hai hệ thống tín hiệu đường sắt và đường bộ để hạn chế ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành.