Tăng cường công khai, minh bạch trong đấu thầu

Nguyên Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đấu thầu nếu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi.

Đã có nhiều kiến nghị các cơ quan thanh tra điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là đối với những vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Cần tăng cường tính công khai, minh bạch, khả thi trong công tác đấu thầu. Ảnh Quế Hà
Cần tăng cường tính công khai, minh bạch, khả thi trong công tác đấu thầu. Ảnh Quế Hà

Luật sư Đỗ Xuân Đang (Công ty Luật TNHH ĐT & Solutions, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, Dự thảo Luật đã bổ sung một điều mới về đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và sửa đổi, bổ sung cơ bản quy định về hủy thầu với việc trao nhiều quyền hạn cho người có thẩm quyền, chủ đầu tư, nhưng các hành vi bị cấm mới chủ yếu quy định đối với nhà thầu; các hành vi cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư, người có ảnh hưởng ít được quy định.

Luật sư Đỗ Xuân Đang góp ý cần sửa đổi Điều 14 quy định về hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó bổ sung quy định cấm hành vi “thông thầu”, cấm các hành vi dàn xếp, “gọt chân cho vừa giày” để tạo điều kiện cho một đối tượng trúng thầu. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung trường hợp “không ai tham gia đấu thầu” vào quy định các trường hợp hủy thầu; để đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh trong đấu thầu, dự luật cần nghiên cứu xem xét các quy định cấm thầu, không nên tạo quá nhiều quyền quyết định cho nhà đầu tư…

Theo chủ một DN ở Hà Nội, thời gian qua trong hoạt động đấu thầu vẫn còn tình trạng chủ đầu tư, bên mời thầu cố tình “cài cắm” tiêu chí, thông thầu, gian lận thầu. Vì thế, cộng đồng DN rất mong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ có những quy định cụ thể về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, có thể dẫn chiếu tới quy định Bộ Luật hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn, làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu; quy định rõ hành vi cản trở trong đấu thầu… nhằm hạn chế những tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả, hiệu quả của công tác đấu thầu nói chung.

Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia về pháp luật đề nghị cần công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến gói thầu để người dân và báo chí theo dõi, giám sát, từ đó phát hiện những vi phạm, sai sót trong đấu thầu; bổ sung sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát công tác đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch.

Xem xét, sửa đổi Luật Đấu thầu cần rà soát để hoàn thiện và bảo đảm thực hiện chặt chẽ 6 yêu cầu công khai trong đấu thầu, bao gồm công khai về điều kiện được dự thầu; danh sách và năng lực của những nhà thầu; điều kiện được trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả trúng thầu; kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhà thầu.

Về hành vi cấm, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, có thể dẫn chiếu tới quy định Bộ Luật Hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn, làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu; quy định rõ hành vi cản trở trong đấu thầu gây tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả, hiệu quả của công tác đấu thầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “Luật ban hành cần tăng cường tính công khai, minh bạch, khả thi, đảm bảo hiệu lực thi hành đồng thời làm căn cứ rõ ràng để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tránh tạo ra nhiều tầng nấc pháp luật trung gian”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần