Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường kiểm soát thuốc lá theo Công ước khung

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/10, Bộ Y tế tổ chức hội thảo cung cấp thông tin báo chí về tăng cường năng lực triển khai thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam.

Nhiều ý kiến lo ngại, thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng đã xâm nhập bất hợp pháp vào thị trường Việt Nam khoảng 10 năm trở lại nay, đầu độc lớp trẻ hàng ngày nhưng chưa có khung pháp lý để kiểm soát.

Việc gia tăng tỷ lệ thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá, đặc biệt thuốc lá mới đã kéo theo nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe cho thế hệ trẻ. Đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp, thậm chí suýt tử vong sau khi hút TLĐT.

Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, chỉ trong năm 2023, có đến hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng, trong đó trẻ dưới 18 tuổi ghi nhận 71 ca. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.

TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo.
TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo.

Theo TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên. Cụ thể: tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ năm 2015 (0,2%) đến năm 2020 (3,6%), cao nhất tập trung ở nhóm tuổi từ 15-24 (7,3%); tỷ lệ sử dụng trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; ở nhóm tuổi 13-15, tỷ lệ này của năm 2023 (8%) đã tăng hơn gấp đôi so năm 2022 (3,5%); 1,8% học sinh đã từng sử dụng thuốc lá nung nóng, trong đó, tỷ lệ học sinh ở nhóm tuổi từ 13-17 đang sử dụng thuốc lá nung nóng là 1,1%...

“Chỉ trong 5 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã vượt lên rất cao. Kết quả phòng chống thuốc lá trong 30 năm sẽ bị thiêu rụi trong vòng 3 năm nếu chúng ta cho phép TLĐT, thuốc lá nung nóng vào Việt Nam. Những thành tựu mà chúng ta đã đạt được sẽ nhanh chóng bị xóa bỏ nếu không ngăn chặn được” - ông Khoa trăn trở.

Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết rằng, các công ty thuốc lá cần mở rộng thị trường và đa dạng đối tượng người sử dụng, đặc biệt giới trẻ là nguồn khách hàng tiềm năng và tương lai sẽ sử dụng các sản phẩm này trong thời gian dài. WHO đã khuyến cáo “không có một sản phẩm thuốc lá nào là không có hại cho sức khỏe”. Bởi vậy, cụm từ “sản phẩm thuốc lá giảm hại” được đưa ra bởi ngành công nghiệp thuốc lá đa quốc gia và là một cách để thuyết phục người sử dụng tin rằng các sản phẩm thuốc lá mới mà họ sản xuất ra ít có hại hơn thuốc lá điếu thông thường. Mối quan tâm chính của ngành này là mở rộng và bảo vệ thị trường thuốc lá và các sản phẩm nicotin gây nghiện khác nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Cũng theo bà Thủy, trong thời gian vừa qua, trên báo chí cũng đã đưa tin về một số bác sĩ của ngành y tế có tham gia một số hội thảo mà ngành công nghiệp thuốc lá đứng đằng sau hỗ trợ tài chính. Thế nhưng các bác sĩ không biết rằng chính mình đã vi phạám khoản 5.3 Công ước khung.

Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam tăng cường giám sát ngành công nghiệp thuốc lá trong việc tài trợ, hỗ trợ cho các cơ quan tổ chức, đặc biệt là các cơ quan có liên quan đến xây dựng chính sách về thuốc lá. Bởi đây là việc làm vi phạm điều 5.3 của Công ước khung.