Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường quản lý để lễ hội diễn ra văn minh, giàu bản sắc

Quang Huy (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào mỗi dịp đầu năm, hoạt động lễ hội có ý nghĩa đặc biệt, với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa tích cực của lễ hội, vẫn còn những mặt hạn chế, hoạt động biến tướng.

Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến
Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến

Để giải quyết, khắc phục những tồn tại này cần có các giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn với nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến.

Sau 3 năm tạm dừng tổ chức, năm 2023, nhiều di tích, lễ hội của cả nước đã sẵn sàng kế hoạch công tác quản lý và tổ chức. Ông có dự báo gì về công tác tổ chức lễ hội năm nay?

- Trước hết, lễ hội truyền thống của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng là di sản văn hóa giá trị, quý báu, gắn liền với sinh hoạt, phong tục tập quán của các cộng đồng dân cư. Vì vậy, dân cư ở các địa phương rất trân trọng, gìn giữ, có nhu cầu tổ chức các lễ hội.

Sau 3 năm tạm dừng do dịch Covid-19, các lễ hội đang chuẩn bị trở lại. Do đó, lượng khách đến tham gia các lễ hội truyền thống dự báo sẽ tăng. Khi lượng khách đến tăng cao dễ dẫn tới tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự, không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Cùng với đó, nếu địa phương quản lý không chặt chẽ, vấn đề mê tín dị đoan lợi dụng lễ hội để trục lợi sẽ xảy ra. Vì vậy, đòi hỏi chính quyền các địa phương, đặc biệt là ban tổ chức các lễ hội phải có phương án chuẩn bị chu đáo để tránh xảy ra những hiện tượng, hình ảnh phản cảm như trước đây.

Nhằm hạn chế tiêu cực, hình ảnh phản cảm, nhiều địa phương, ban tổ chức các lễ hội đã có những thay đổi trong công tác tổ chức. Trong quá trình đổi mới, cần lưu ý những điểm gì?

- Như đã nói, lễ hội là di sản văn hóa, do đó, người thực hành di sản rất quan trọng. Khi thực hành lễ hội, họ phải đảm bảo yếu tố gốc của di sản văn hóa. Hiện nay, một số lễ hội truyền thống có những đổi mới, cải tiến để phù hợp với nhu cầu thực tế của đời sống đương đại. Tuy nhiên, tôi cho rằng dù đổi mới vẫn phải giữ được yếu tố truyền thống.

Lễ hội Gò Đống Đa. Ảnh: Lam Thanh
Lễ hội Gò Đống Đa. Ảnh: Lam Thanh

Trong những năm qua, trên địa bàn Hà Nội, ngành VHTT&DL đã có chỉ đạo, phối hợp với chính quyền địa phương để điền dã, sưu tầm, hướng dẫn cho Nhân dân địa phương thực hành theo đúng nghi thức truyền thống của lễ hội và có nhiều tiến bộ.

Xin ông cho biết, làm thế nào để đưa công tác quản lý lễ hội vào nền nếp mà vẫn bảo đảm văn minh, an toàn và đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của người dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp, các ban quản lý di tích?

- Năm nay, lãnh đạo Nhà nước, Bộ VHTT&DL đã có hướng dẫn về quản lý, tổ chức đón Xuân, lễ hội truyền thống. Các địa phương cần kịp thời triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu về tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn cả nước.

Hiện nay, công tác tổ chức lễ hội tại đã được chỉ đạo, quan tâm đúng mức, góp phần hạn chế hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc. Đơn cử năm nay, UBND huyện Mỹ Đức, Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương đã thành lập Ban Chỉ đạo; bên cạnh đó, đã có đổi mới trong việc bán vé điện tử nhằm hạn chế ách tắc về giao thông, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho du khách.

Đối với lễ hội truyền thống dài ngày, các địa phương cũng cần phải nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý, không đùn đẩy, né tránh; tăng cường phối hợp liên ngành; có phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị tham gia; tăng cường công tác kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong xử lý những hiện tượng tiêu cực, bói toán, đốt vàng mã tràn lan, biến tướng lễ hội. Đặc biệt, quá trình đó phải được duy trì thường xuyên để xử lý kịp thời những vấn đề phản cảm.

Xin cảm ơn ông!