Tăng độ khó có giảm được tai nạn?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ 1/7/2013, việc đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) được tiến hành theo hình thức mới với độ khó cao hơn trước rất nhiều. Trong đó, bộ đề có nhiều câu hỏi hơn, thời gian thi rút ngắn, giám sát nghiêm ngặt bằng camera…

Tất cả đều hướng tới mục tiêu tăng cường kỹ năng cho lái xe và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT). Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với TS Trần Bảo Ngọc -  Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xung quanh vấn đề này.

 Thưa ông, nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân làm gia tăng các vụ TNGT nghiêm trọng trong thời gian gần đây xuất phát từ công tác đào tạo và sát hạch cấp GPLX của chúng ta chưa thực sự nghiêm túc. Có phải vì điều này mà Bộ GTVT quyết định siết chặt hơn điều kiện thi sát hạch cấp GPLX?

- Không phải đến thời điểm này, hay vì TNGT nghiêm trọng liên tục diễn ra trong thời gian gần đây mà Bộ GTVT mới triển khai siết chặt vấn đề đào tạo, tổ chức sát hạch cấp GPLX. Vấn đề này đã được Bộ chuẩn bị từ tháng 3/2012 với những lộ trình thực hiện từng bước rõ ràng, với những nội dung như: Tăng cường công tác tổ chức đào tạo, sát hạch, thanh kiểm tra công tác này; Quy định, xử lý trách nhiệm của những người thực thi công vụ; Quản lý, chống GPLX giả… Và để thực hiện điều này, ngày 12/3/2012, Bộ GTVT đã có Quyết định số 513/QĐ-BGTVT chính thức phê duyệt đề án nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch cấp GPLX góp phần giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông. Tiếp đó là các Thông tư số 18/2012/TT - BGTVT, "Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ" ngày 6/6/2012; Thông tư 46/2012/TT - BGTVT, "Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ", ngày 7/11/2012… Thay đổi bộ đề thi là một bước tiếp theo của lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

Tăng độ khó có giảm được tai nạn? - Ảnh 1

Học viên đang thực hành tại Trung tâm đào tạo lái xe 464 Âu Cơ, Hà Nội

Theo đề án này, công tác tổ chức thi sát hạch cấp GPLX có điểm gì mới so với trước, thưa ông?

- Điều đầu tiên phải nói đến là số lượng câu hỏi của bộ đề thi sát hạch tăng lên 450 câu (tăng 45 câu) với GPLX ô tô và 150 câu với xe máy (tăng 30 câu). Đặc biệt, trong bộ đề thi trắc nghiệm lần này sẽ không có tình trạng các đáp án cùng đúng hoặc cùng sai mà trong 4 phương án trả lời sẽ có 2 phương án đúng, và người thi phải đánh dấu vào cả hai mục đó mới được chấm điểm. Mỗi người sẽ thi 30 câu lý thuyết trong 20 phút trên máy tính.

Phần thi thực hành sát hạch lái xe trong hình, sân tập lái được điều chỉnh lại, cụ thể thu hẹp chiều rộng đường vào nhà xe. Đáng chú ý là thời gian thi nội dung này được rút ngắn xuống còn 15 phút, giảm 5 phút so với trước đây. Điều đó đòi hỏi người thi phải khéo léo, có kỹ năng xử lý nhanh, tốt.

Việc công khai minh bạch tại các điểm sát hạch vẫn là vấn đề nhiều người quan tâm, theo đề án mới, vấn đề này sẽ được xử lý thế nào, thưa ông?

- Ngoài các điểm mới như tôi đã nói ở trên, tại các trung tâm sát hạch sẽ lắp đặt thêm màn hình LCD 32 inch để công khai quá trình thi và kết quả sát hạch lái xe. Trong phòng thi lý thuyết, trên sân và xe ô tô sát hạch lái xe sẽ được lắp các thiết bị camera, thiết bị lưu trữ âm thanh, hình ảnh quá trình sát hạch. Tất cả hình ảnh thi sẽ được truyền ra màn hình tại phòng chờ để mọi người có thể xem, theo dõi, giám sát. Đặc biệt, khi học viên thi xong phần thi nào, kết quả sẽ được thông báo ngay qua loa phát thanh và màn hình ở phòng chờ. Hình ảnh quá trình sát hạch sẽ được in cùng kết quả thi.

Đề án mới bổ sung nhiều điểm mới, vậy Bộ đã có sự chuẩn bị gì về nội dung chương trình đào tạo và sát hạch? 

- Để chuẩn bị cho chương trình thi sát hạch cấp GPLX mới này, Bộ GTVT đã ban hành một loạt giáo trình mới, bổ sung thêm nội dung văn hóa giao thông trong môn đạo đức người lái xe và vấn đề sơ cứu y tế. Đồng thời yêu cầu mỗi trung tâm đào tạo sát hạch lái xe phải bố trí thêm xe số tự động, để người học ngoài học về nội dung này còn được thực hành nhiều hơn.

Theo đánh giá của ông, với hình thức đào tạo và sát hạch mới có thực sự đánh giá đúng chất lượng, hạn chế những hiện tượng tiêu cực và đảm bảo công bằng cho thí sinh?

Từ 1/7, Bộ GTVT đã áp dụng việc cấp GPLX mới, làm bằng vật liệu PET. Vật liệu này giúp giảm thiểu được tình trạng làm giả bằng, đồng thời tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Mỗi công dân Việt Nam sẽ chỉ được cấp một số hiệu GPLX, công an có thể dễ dàng kiểm tra được thông tin người dùng bị mất hay bị thu bằng lái xe khi nhập số liệu và kiểm tra được trên hệ thống máy tính toàn quốc. Đây cũng là một bước trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

- Mục tiêu của việc sát hạch là lựa chọn được những thí sinh có khả năng lái xe an toàn: đủ kiến thức, kỹ năng, có thái độ tốt. Việc tăng số lượng câu hỏi về mặt lý thuyết, tăng độ khó, giảm thời gian thực hành, sẽ buộc người học chuẩn bị kỹ hơn về kiến thức, kỹ năng phản xạ và xử lý tình huống. Đồng thời quá trình học và đào tạo cũng phải cẩn thận, chỉnh chu hơn. Học viên phải tập trung, dành nhiều thời gian ôn luyện, thực hành. Giáo viên phải đảm bảo sao cho người học nắm được bản chất vấn đề, không học mẹo, học tủ. Bên cạnh đó, việc giám sát bằng các thiết bị camera, thu tiếng, thu hình, công khai hình ảnh để mọi người theo dõi, giám sát. Thậm chí, camera có thể chụp ảnh ngẫu nhiên trong quá trình thi, góp phần nâng cao ý thức tự giác của học viên và sát hạch viên, tránh tình trạng thi hộ, gian lận, đảm bảo công bằng cho thí sinh. Mặt khác, cũng tạo kênh giám sát ngược lại sát hạch viên và trung tâm đào tạo từ chính những học viên. Các cơ sở đào tạo lái xe, sát hạch viên sẽ phải dạy đúng, dạy đủ thời gian, nội dung cho người học, trong quá trình thi không chấm sai, đánh trượt thí sinh. Chương trình giảng dạy, thời gian thời lượng cũng phải được công khai trên bảng tin của trung tâm sát hạch và ghi rõ trong hợp đồng đăng ký dự thi. Trung tâm có trách nhiệm ký và thanh toán hợp đồng cho thí sinh theo quy định Thông tư 46.

Như vậy, chắc chắn sau khi kết thúc khóa học, người được cấp GPLX sẽ có kỹ năng thành thục, khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy, lái xe ngoài thực tế sẽ an toàn hơn. Ý thức thi cử tốt, ý thức tham gia giao thông của lái xe hiện có tốt không, thưa ông?

- Độ tin cậy của quy trình thi mới này rất cao vì ngoài giám sát qua hình ảnh, quá trình thi vẫn thực hiện việc kiểm tra thí sinh qua chứng minh nhân dân trước khi thực hiện các nội dung. Ngoài ra còn có các khâu khớp danh sách từ lúc đăng ký, đến lúc kiểm tra để cấp bằng chứng chỉ hoàn thành sơ cấp nghề trước khi tiếp tục được thi cấp GPLX cũng được làm khép kín, nhập dữ liệu bằng công nghệ thông tin, tránh tình trạng danh sách chui, bổ sung không học mà vẫn đi thi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang theo dõi, thu thập thêm các thông tin đánh giá phản hồi của người học, người thi xung quanh bộ đề mới và hình thức thi để điều chỉnh dần.

Nói chung, việc tăng câu hỏi, giảm thời gian thi và lắp đặt camera trong thi sát hạch cấp GPLX để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe và hướng đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo trật tự an toàn, giảm thiểu TNGT.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần