Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng khả năng tiếp cận vốn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7/10/2024 về hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới).

Bên cạnh đó, NHNN khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản…

Doanh nghiệp rất cần vốn tín dụng để tái đầu tư, sản xuất kinh doanh. Ảnh: Chiến Công
Doanh nghiệp rất cần vốn tín dụng để tái đầu tư, sản xuất kinh doanh. Ảnh: Chiến Công

Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân đề cập, điều quan trọng là làm sao để tiếp cận nhanh được nguồn vốn. Nhiều DN không còn tài sản thế chấp vay vốn, do vậy rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý và phía các ngân hàng để tháo gỡ “điểm nghẽn khát vốn”.

"Nhìn chung lãi vay hiện đã giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, các ngân hàng đều yêu cầu tài sản thế chấp”- Giám đốc Công ty may Dony Phạm Quang Anh chia sẻ.

Nhiều DN cũng cho rằng, "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay là khả năng làm sao để DN tiếp cận được vốn vay mà không phải thế chấp bất động sản. Bà Kim Hoa, chủ một cơ sở da giày nhỏ ở Thường Tín, Hà Nội kiến nghị, cần có quy định cụ thể trong định giá tài sản để vay vốn. Đề nghị ngành ngân hàng nên xem xét cho DN nhỏ và vừa vay tín chấp. Bà Hoa cho rằng, nếu mỗi DN nhỏ và vừa được vay tín chấp ở mức giới hạn khoảng 500 triệu đồng thì sẽ giảm áp lực rủi ro cho ngân hàng...

Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, dù đã có nhiều biện pháp thúc đẩy, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng do nhu cầu vốn thấp vì xuất khẩu và tiêu dùng nội địa chưa phục hồi. Nhiều DN thu hẹp sản xuất, thận trọng với rủi ro và thu nhập người mua bất động sản giảm trong khi nguồn cung nhà ở giá hợp lý vẫn hạn chế. Tín dụng tiêu dùng cũng tăng chậm do thu nhập giảm và sự cạnh tranh từ các ứng dụng cho vay dễ dàng.

Về giải pháp, Tổng Giám đốc Sacombank đề xuất giảm chi phí vốn, duy trì chính sách tài khóa mở rộng và giảm thuế, phí để kích thích tiêu dùng và tăng trưởng.

Ông Lưu Việt Linh - Phó Giám đốc ngân hàng Phương Đông (OCB) chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua ngân hàng này đang áp dụng rộng rãi phương thức cho vay trên hồ sơ báo cáo tài chính, báo cáo thuế hàng năm.

OCB không yêu cầu bắt buộc về mua bảo hiểm khi vay vốn mà chỉ kiểm tra hồ sơ bảo hiểm rủi ro lô hàng hoặc công trình đang xây dựng... do vậy hồ sơ quản lý, kế toán DN cũng phải lưu ý trong quá trình lưu trữ. Các chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, việc định giá thương hiệu đối với DN hiện nay ngành ngân hàng không thể định giá được mà phải thông qua hội đồng thẩm duyệt, hội đồng khoa học, do đó rất cần có sự phối hợp giữa DN, nhà quản lý và ngân hàng.

Để giải bài toán làm sao hấp thụ được dòng vốn một cách kịp thời và hiệu quả, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc phụ trách Ban Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, lãi suất thấp là điều kiện cần nhưng chưa đủ để giúp tăng khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế.

Thêm nữa, gỡ bỏ các rào cản để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội, từ đó sẽ giúp giải quyết một phần lớn nhu cầu về vốn cho nền kinh tế, giúp thị trường bất động sản phục hồi. Cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và cơ quan quản lý để tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân nhất là về nguồn vốn như vốn từ các quỹ bảo lãnh DN, quỹ phát triển DN vừa và nhỏ...