Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng lãi suất và tác động hai mặt

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một tuần kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất. Trong khi người có tiền gửi tiết kiệm thì vui mừng, ngược lại các DN cần vốn rất lo lắng.

Các chuyên gia cho rằng, tăng lãi suất để duy trì ổn định tiền tệ, giảm áp lực lạm phát nhưng ngược lại sẽ làm tăng chi phí tài chính đối với một nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi.

Người gửi tiền mừng

Ngay sau thông báo của NHNN tăng một loạt lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Trong đó, lãi suất tiền gửi dưới 1 tháng và từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại nhiều ngân được niêm yết ở mức tối đa cho phép theo quy định mới tăng 0,5% lên 5%/năm.

Nhân viên BIDV Hà Nội điều chỉnh lại bảng lãi suất. Ảnh: Phạm Hùng
Nhân viên BIDV Hà Nội điều chỉnh lại bảng lãi suất. Ảnh: Phạm Hùng

Mới đây, các ngân hàng: Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV cũng chính thức công bố biểu lãi suất huy động mới, với mức tăng từ 0,8 - 1,3 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn... so với trước. Với mức tăng này, nhóm Big4 là những ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất.

Tuy nhiên, so với các ngân hàng thương mại tư nhân, mặt bằng lãi suất của nhóm này vẫn thấp hơn đáng kể so với một số ngân hàng có mức huy động lên tới 7,5 - 7,8%/năm như: SCB, Đông Á, An Bình.

Chiếm tới 45% thị phần huy động vốn thị trường, động thái tăng mạnh lãi suất của nhóm ngân hàng cổ phần nhà nước dự kiến sẽ khiến mặt bằng lãi suất huy động toàn hệ thống tăng lên. Do đó, đây là thời điểm lý tưởng cho người gửi tiền bởi lãi suất vẫn đang có xu hướng nhích lên. Đồng thời các nhà băng cũng áp dụng nhiều ưu đãi cộng thêm lãi suất giúp khách hàng hưởng lợi nhiều hơn.

Chị Nguyễn Thùy Anh, nhân viên văn phòng tại một công ty tại Hà Nội cho biết, những ngày cuối tuần vừa qua chị liên tục nhận được các cuộc gọi chào mời gửi tiền từ các ngân hàng. Bên cạnh biểu lãi suất niêm yết chính thức, chị còn được các nhân viên ngân hàng hứa hẹn cộng thêm 0,5 - 1%/năm nếu tham gia các gói tiền gửi liên quan đến trái phiếu hoặc bảo hiểm.

Doanh nghiệp lo

Trong khi người có tiền gửi tiết kiệm vui mừng, ngược lại các DN cần vốn rất lo lắng. Trên thực tế, một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã bị tăng lãi suất cho vay lên cao. Đại diện Công ty CP Đầu tư Xây dựng và thương mại Ngãi Cầu (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, từ đầu tháng 8/2022, cả hai ngân hàng mà DN này vay vốn đều thông báo tăng lãi suất cho vay, với mức tăng thêm tới 1,7 điểm %/năm. Điều này khiến cho chi phí sản xuất của DN tăng mạnh.

Không ít khách hàng cá nhân và DN phản ánh lãi suất cho vay đang tăng trở lại. Chủ một DN trong lĩnh vực bất động sản cho biết ông được vay lãi suất ưu đãi 7,8%/năm, dù chưa hết thời hạn ưu đãi nhưng ngân hàng đã thông báo áp dụng mức lãi suất mới là 8,6%/năm. Áp lực đang vô cùng lớn với các DN. Chi phí tăng các hàng hóa nguyên liệu, nay lãi suất ngân hàng lại tăng cao sẽ tiếp tục đẩy giá sản phẩm tăng, trong khi giá bán ra tăng không tương ứng.

Số liệu của NHNN cho thấy, đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021; trong khi đó huy động vốn chỉ tăng 4,17% - mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Có thể thấy giai đoạn này, thanh khoản thị trường liên ngân hàng cũng không còn dồi dào so với giai đoạn trước. Lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng mạnh và neo ở mức cao từ tháng 7 đến nay. Đặc biệt ở những thời điểm cuối tháng, sau khi NHNN đẩy mạnh hoạt động hút ròng qua kênh tín phiếu và bán ngoại tệ khiến tiền đồng trong hệ thống trở nên khan hiếm hơn.

Giới chuyên môn đánh giá, thời gian tới, nhiều khả năng lãi suất huy động tiếp tục tăng để các ngân hàng thương mại có thể huy động lượng tiền nhàn rỗi từ người dân cũng như các công ty, tổ chức. Đối với việc duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp theo yêu cầu của NHNN, VietinBank Securities cho rằng khả năng thực hiện là không khả thi.

Các công ty chứng khoán dự báo, lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn có thể tăng từ 0,5 - 1% ngay trong quý IV, các kỳ hạn dài sẽ ghi nhận mức tăng cao hơn là từ 1 - 1,5%. Khi đó, lãi suất cho vay kỳ hạn 3 tháng có thể lên tới 9%/năm, 6 tháng lên tới 10%/năm. Một số DN than rằng, mức lãi suất như vậy là khá cao, làm tăng chi phí đầu vào, tăng khó khăn cho DN, nhất là trong hoàn cảnh DN cần hỗ trợ để phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Tác động ra sao tới nền kinh tế?

Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDirect Đinh Quang Hinh cho biết, việc NHNN tăng mạnh lãi suất điều hành sẽ tác động tới các chỉ số như “room” tín dụng (ảnh hưởng tới cung tiền); mặt bằng lãi suất tiền gửi - cho vay; tỷ giá hối đoái và các chính sách hỗ trợ lãi suất phục hồi kinh tế.

Khi quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành, NHNN phải sử dụng hạn mức tín dụng như một công cụ để kiềm chế lạm phát, bằng cách hạn chế lượng tín dụng tối đa mà các tổ chức tài chính có thể cung cấp. VNDirect cho rằng tổng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 14% ít có khả năng nới thêm. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới cung tiền của nền kinh tế, từ đó tác động tới tăng trưởng kinh tế.

“Lúc này, ngân hàng là người lựa chọn khách hàng. Họ sẽ lựa chọn những khách hàng nào làm ăn lâu dài, có uy tín, có mối quan hệ tốt với ngân hàng, có khả năng trả nợ tốt mới cho vay. Còn những khách hàng nhỏ lẻ, mới vay ngân hàng sẽ bị hạn chế tiếp cận” - ông Hinh nói.

Ngoài ra, tăng lãi suất sẽ khiến nhu cầu trong nước giảm. Điều đó có nghĩa là chi phí đi vay của các DN sẽ tăng lên và khả năng đầu tư phục vụ tăng trưởng trong tương lai sẽ gặp thách thức.

TS Trương Văn Phước - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính, tiền tệ quốc gia chia sẻ: “Giá vốn tăng thì giá bán phải tăng nhưng trong trường hợp này, muốn giá bán thấp như kỳ vọng thì phải kết hợp nhiều chính sách khác. Khó mà làm được thì mới quý”.

Về phía DN, cần cấu trúc lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn tiết kiệm hơn, thường xuyên đổi mới công nghệ sản xuất và cải tiến quy trình sản xuất theo hướng loại bỏ tối đa các thao tác dư thừa tốn sức người, nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động.

Thực hiện chức năng dự báo và nhu cầu tiêu thụ, nguyên vật liệu để chủ động trong kế hoạch sản xuất giảm thiểu sự thiếu hụt cũng như dư thừa nguyên liệu, thành phẩm tồn kho.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong hoàn cảnh này Chính phủ cần nhanh chóng xem xét giảm mạnh một số loại thuế phí để hỗ trợ DN, giúp giảm chi phí đầu vào. Cùng với đó đẩy nhanh và tính đến việc nới điều kiện cho vay với gói hỗ trợ lãi suất 2%, để tạo điều kiện cho các DN được tiếp cận với nguồn vốn rẻ.

 

"NHNN Việt Nam vừa tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1% là một ví dụ cho thấy Chính phủ sẵn sàng đưa ra các biện pháp can thiệp cần thiết để duy trì ổn định tiền tệ, trong bối cảnh lần lượt các ngân hàng trung ương lớn đều đã tăng lãi suất.

Tuy nhiên, tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí tài chính và đặt ra nhiều thách thức khi Chính phủ phải điều chỉnh chính sách tài khóa để vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái.

Chính phủ Việt Nam có thể cần hỗ trợ tài chính một cách có mục tiêu cho nhóm những người dễ bị tổn thương; đẩy nhanh chương trình phục hồi phát triển kinh tế. Về lâu dài, nên tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể, tháo gỡ các rào cản cho DN và đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm các chi phí trong kinh doanh." - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries