Tăng lương chỉ có ý nghĩa khi Chính phủ có biện pháp mạnh

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Bên cạnh niềm vui được tăng lương tối thiểu 6% từ ngày 1/7/2022, nhiều công nhân lo lắng giá xăng tăng kéo theo các loại mặt hàng hóa khác tăng giá. Theo các chuyên gia, việc tăng lương chỉ có ý nghĩa khi Chính phủ có biện pháp mạnh để kiềm chế lạm phát; DN tăng hỗ trợ cho NLĐ.

Lương đang “đuổi” theo giá

Giá xăng tăng cao, (tháng 1/2022, xăng RON 95 giá hơn 23.000 đồng/lít; bây giờ trên 32.800 đồng/lít) khiến cuộc sống của nhiều công nhân lao động có cuộc sống vốn đã khốn khó lại phải tiếp tục chắt bóp chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày, hạn chế tối đa việc đi lại.

Được tăng lương tối thiểu 6% nhưng với tình hình giá cả các mặt hàng nhiều công nhân cho biết phải rất tiết kiệm chi tiêu, mua đồ ăn, vật phẩm sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: Internet.
Được tăng lương tối thiểu 6% nhưng với tình hình giá cả các mặt hàng nhiều công nhân cho biết phải rất tiết kiệm chi tiêu, mua đồ ăn, vật phẩm sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: Internet.

Một công nhân ở khu Công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) than thở: Với tình hình giá cả các mặt hàng cứ tăng thế này, gia đình tôi phải rất tiết kiệm, cân đối mua đồ ăn, vật phẩm sinh hoạt hằng ngày. Thậm chí là thắt chặt chi tiêu trong từng bữa ăn, ví dụ trước đây một tuần 3 bữa cơm có chút thịt bò thì nay chỉ còn 1, hạn chế tối đa mua quần áo. Bao giờ cũng thế, cứ tăng lương thì giá cả lại tăng theo, rất có thể sau ngày 1/7 các mặt hàng lại tiếp tục nhảy giá. Như lương đang đuổi theo giá chứ không phải hỗ trợ cho cuộc sống của NLĐ tốt hơn nên rất cần Nhà nước có giải pháp kìm chế lạm phát.

Để hỗ trợ cho người dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý từ ngày 1/4/2022 đến hết năm nay, giảm 2.000 đồng thuế môi trường trên mỗi lít xăng. Nhưng nếu tình hình chiến sự Nga – Ukraine cứ kéo dài, căng thẳng, khả năng giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng, kéo theo các mặt hàng lương thực thực phẩm lại đội giá… Làm sao để việc tăng lương 6% thực sự có ý nghĩa trong khi giá cả tăng, là câu hỏi được không ít người đặt ra?

Những DN quan tâm chăm lo đến công nhân lao động đã phải tăng hỗ trợ chi phí xăng xe, ăn ca, chuyên cần,… “Công ty chúng tôi đang ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác 1 năm lại đàm phán, thay đổi đơn giá 1 lần. Giai đoạn này, chúng tôi đã đề nghị với các đối tác gói hỗ trợ trượt giá liên quan đến giá gas, sinh hoạt, nhân công. Đồng thời, công ty lấy nguồn vốn tự thân để tăng lương và hỗ trợ gấp đôi tiền đổ xăng cho NLĐ. Trong quy trình quản lý, chúng tôi tối ưu đầu việc giao cho công nhân và yêu cầu kỹ thuật viên rút ngắn nhất thời gian đi công trường để làm được nhiều việc hơn, mang lại năng suất cũng như tạo ra nguồn lợi nhuận lớn hơn” - Phó Giám đốc Công ty CP FAS Đinh Văn Ngọc chia sẻ.

Kiềm chế lạm phát và bình ổn giá

Để giải bài toán làm sao để việc tăng lương tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 68/NĐ-CP thực sự có ý nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng: Chính phủ đã có quy định tăng lương 6% kéo dài hết năm 2023, Bộ LĐTB&XH và Tổng Liên đoàn đã có hướng dẫn điều chỉnh tiền lương, đề nghị vẫn giữ 7% lương đối với những người đã qua đào tạo và các chế độ khác để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, khi giá cả tăng, cuộc sống của NLĐ rất khó khăn thì bây giờ quả bóng nằm trong tay DN. Vừa rồi, một số DN Nhật tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục có những hỗ trợ thêm tiền nhà cho công nhân lao động.

Theo các chuyên gia, việc tăng lương chỉ có ý nghĩa khi Chính phủ có biện pháp mạnh để kiềm chế lạm phát; doanh nghiệp tăng hỗ trợ cho người lao động. Ảnh: Phạm Hùng.
Theo các chuyên gia, việc tăng lương chỉ có ý nghĩa khi Chính phủ có biện pháp mạnh để kiềm chế lạm phát; doanh nghiệp tăng hỗ trợ cho người lao động. Ảnh: Phạm Hùng.

Theo ông Mai Đức Chính, trong tình hình hiện nay, muốn giữ chân được công nhân và thu hút được NLĐ thì DN phải tăng phúc lợi. DN cũng phải tính toán, cân nhắc trong lợi nhuận, giảm những chi phí không cần thiết. Một giải pháp nữa hết sức quan trọng đó là Nhà nước bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu, tạm thời tạm dừng một số loại thuế về xăng để giá nhiên liệu này giảm xuống; cũng như có những chính sách để kiềm giá các mặt hàng.

Khi giá cả tăng, cuộc sống của công nhân lao động lao đao nhưng không thể yêu cầu DN tăng lương 10 hay 15%. Bởi, nếu DN không phát triển ổn định đồng nghĩa với NLĐ không có việc làm, ảnh hưởng đến kinh tế đất nước. Vì thế, nhiều NLĐ nghĩ tới việc trước đây những ai khi đi đến các siêu thị, cửa hàng cung cấp thực phẩm mua hàng mà có mang theo thẻ đoàn viên công đoàn thì được giảm giá. “Chính phủ nên có giải pháp, chẳng hạn như NLĐ đi mua hàng tại những địa chỉ quy định sẽ được giảm giá. Có như vậy, cuộc sống của NLĐ được cải thiện và có chế độ sinh hoạt tốt hơn, cũng như thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển bền vững” – chị Hà Thị Phương Anh – Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy đề xuất.

Tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022 chỉ có ý nghĩa khi Chính phủ có biện pháp mạnh để kìm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không tăng, chí ít giữ ở mức khi Hội đồng tiền lương Quốc gia đưa ra các thông số làm căn cứ đề nghị tăng tối thiểu 6%. Từ quan điểm này, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, cùng với việc Chính phủ có chính sách kiềm chế chế lạm phát thì vấn đề quyết định nhất là DN có kế hoạch và biện pháp thích ứng với trạng thái bình thường mới để ổn định, phát triển sản xuất và có khả năng trả lương cho NLĐ theo kết quả đầu ra của sản xuất kinh doanh. Một vấn đề nữa hết sức quan trọng là nêu cao vai trò, năng lực đàm phán của NLĐ và Tổ chức Công đoàn cơ sở về tiền lương với người sử dụng lao động.