Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng lương, không để hàng hoá tăng giá bất hợp lý

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/7/2024, Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng 6%. Tuy nhiên, nhiều người lao động lo lắng giá cả hàng hóa cũng sẽ “nối gót” tăng theo tiền lương. Do vậy, cần chủ động xây dựng các phương án bình ổn thị trường khi có biến động về giá.

Hầu hết các mặt hàng đều tăng giá

Ghi nhận tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, nhóm thực phẩm thiết yếu như trứng,  cá, thịt gia súc, gia cầm đang đồng loạt tăng giá từ 5.000-20.000 đồng. Tiểu thương chợ Thành Công (quận Ba Đình) thông tin, từ đầu tháng 6 đến nay, giá thịt lợn đã tăng từ  10.000-20.000 đồng/kg mỗi loại. Theo đó, thịt ba chỉ, nạc vai hiện được bán với giá 145.000-150.000 đồng/kg, sườn thăn 150.000 đồng/kg, nạc mông, thăn 130.000 đồng/kg, mông sấn, vai sấn khoảng 110.000 đồng/kg…

Lý giải nguyên nhân khiến thịt lợn tăng giá, đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023, đây là nguyên nhân làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Người tiêu dùng mua thực phẩm sau khi các mặt hàng này đã rục rịch tăng giá.
Người tiêu dùng mua thực phẩm sau khi các mặt hàng này đã rục rịch tăng giá.

Cùng với thịt lợn, mặt hàng thịt bò cũng đã tăng giá 5.000-10.000 đồng/kg so với tháng 5/2024, hiện đang ở mức khoảng 200.000-260.000 đồng/kg. Tương tự, mặt hàng trứng cũng tăng từ 300-500 đồng/quả so với tháng 5, hiện trứng gà loại nhỏ có giá từ 25.000-27.000 đồng/chục, trứng vịt giá 27.000 đồng/chục, trứng gà loại to có giá tới 30.000 đồng/chục.

Thực tế cho thấy, không chỉ mặt hàng thực phẩm ở chợ truyền thống tăng giá mà tại hệ thống siêu thị cũng trong tình trạng tương tự. Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, doanh nghiệp nhận được nhiều đề nghị tăng giá từ nhiều nhà cung cấp. Cụ thể, ngành hàng rau củ quả đề nghị tăng 10-15% và ngành hàng thực phẩm công nghệ muốn tăng cao nhất tới 20%.

Tương tự Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, thời gian qua, một số nhà cung cấp đã thông báo tăng giá khoảng 10%.

Mặc dù mức tăng giá hàng hóa chỉ mới xuất hiện nhưng đã khiến bà nội trợ e ngại rằng những mặt hàng khác sẽ "nhìn nhau" để tăng theo, ảnh hưởng đến bữa cơm sinh hoạt hàng ngày.

Mua rau xanh tại hệ thống siêu thị Win mart. 
Mua rau xanh tại hệ thống siêu thị Win mart. 

Nỗ lực bình ổn giá

Trước tình trạng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có dấu hiệu “tát nước theo mưa”, nhiều người tiêu dùng lo ngại việc tăng lương sẽ không đủ sức bù đắp việc hàng hóa tăng giá. Vì vậy đa số đều mong rằng các cơ quan Nhà nước sẽ có những biện pháp ngăn chặn tình trạng “bão giá”.

Để bình ổn thị trường, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đang nỗ lực chuẩn bị nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời, các doanh nghiệp bán lẻ đều đang nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để giữ giá bình ổn, giúp người tiêu dùng có thể mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức thông tin, nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, Hiệp hội đã đề nghị các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ bình ổn, điều chỉnh giá theo hướng giảm so với thị trường.

Siêu thị nỗ lực bình ổn giá thông qua chương trình khuyến mại (Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C). Ảnh: Hoài Nam
Siêu thị nỗ lực bình ổn giá thông qua chương trình khuyến mại (Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C). Ảnh: Hoài Nam

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm thông tin, để bình ổn thị trường Hapro đã chủ động thương lượng với nhà cung cấp cùng giảm lợi nhuận nhất là nhóm hàng tiêu dùng qua đó chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Đại diện WinMart miền Bắc (đơn vị quản lý và vận hành hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện ích WinMart/WinMart+) cho biết, hệ thống WinMart/WinMart+ vẫn đang cố gắng giữ giá bình ổn, không tăng giá sản phẩm. Hiện hệ thống Winmart, Winmart + đang thiết kế danh mục hơn 600 sản phẩm giá siêu rẻ và các chương trình ưu đãi thường kỳ cho các siêu thị, cửa hàng.  

Tương tự, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra có chương trình "Tháng tiêu dùng xanh" với hàng loạt ưu đãi cho khách hàng mua các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. “Giá nguyên liệu tăng, nhưng đầu ra không thể tăng giá bán, bởi sức mua yếu, chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng, phải rà soát, giảm tất cả các khoản phí không cần thiết để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng"- Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin.

Nhằm ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý sau khi Chính phủ điều chính mức tăng lương tối thiểu vùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Lê Thị Tuyết Nhung cho hay, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường.

Người tiêu dùng mua hàng hóa giảm giá tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng hóa giảm giá tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam

Đồng thời chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, cũng như triển khai các giải pháp cụ thể. Bộ Tài Chính cũng tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường…

Nhằm bình ổn thị trường hàng hóa, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND về thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024. Nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu gồm gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để làm tốt việc này Sở Công Thương Hà Nội, tăng cường hoạt động liên kết vùng giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước qua đó chủ động nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu.

“Nhằm nâng cao hiệu quả chương trình, UBND TP Hà Nội mở rộng đối tượng tham gia là các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trên cả nước qua đó bảo đảm được nguồn cung ứng từ bên ngoài TP Hà Nội. Những đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá sẽ được TP Hà Nội hỗ trợ cung cấp thông tin các điều kiện của sản phẩm, của cơ sở sản xuất để đưa hàng hóa vào kênh phân phối từ đó nghiên cứu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài để chủ động kế hoạch sản xuất”- bà Lan nêu rõ.