Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng lương tối thiểu 6% từ 1/7/2024: Người lao động và doanh nghiệp đều hưởng lợi

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi tăng lương tối thiểu, đời sống của người lao động được cải thiện, tạo đà cho DN phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ...

Người lao động làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Người lao động làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đề xuất tăng lương tối thiểu từ 200.000 - 280.000 đồng

Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc đơn giản trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay các DN đang thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Đánh giá về mức lương tối thiểu hiện hành, Bộ LĐTB&XH cho biết, sau gần 2 năm triển khai mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP có một số vấn đề đặt ra cần phải xem xét điều chỉnh: các yếu tố về kinh tế - xã hội, thị trường lao động, khả năng của DN năm 2023 có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn so với năm 2022; giá trị thực của mức lương tối thiểu hiện nay bị suy giảm dần theo thời gian do chỉ số giá tiêu dùng tăng.

Bên cạnh đó, một số địa bàn áp dụng lương tối thiểu đã có sự thay đổi về tên gọi, điều kiện thực tế. Ngày 12/1/2024, Hội đồng Tiền lương quốc gia khuyến nghị Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6%, áp dụng từ 1/7/2024 theo tinh thần cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XII).

Từ thực tế trên và với sự thống nhất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Trong đó, Bộ LĐTB&XH đề xuất lương tối thiểu tháng tăng bình quân 6%, tương ứng với tăng từ 200.000 đồng - 280.000 đồng, so với mức lương tối thiểu hiện hành. Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng vùng I là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng.

Bộ LĐTB&XH nhận định, khi Chính phủ điều chỉnh theo phương án trên, mức lương tối thiểu tháng sẽ cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu tính đến hết năm 2024; dự kiến cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025; từ đó cải thiện thêm tiền lương cho người lao động. Bộ LĐTB&XH cũng tính đến bối cảnh kinh tế, xã hội và mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của DN, dự báo tăng bình quân khoảng 0,5 - 06%, trong đó ngành dệt may, da giày tăng 1,1 - 1,2%.

Về lương tối thiểu giờ, Bộ LĐTB&XH đề xuất dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động.

Cụ thể, vùng I là 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ. Bộ LĐTB&XH thông tin, hiện tại, mức lương tối thiểu giờ được đề xuất chỉ tương đương với các mức lương thấp nhất đang được trả cho người lao động làm các công việc không trọn thời gian như phục vụ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê...

Khi áp dụng mức lương tối thiểu giờ, về cơ bản sẽ không làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến khả năng chi trả của DN, bởi đa phần đã được trả bằng hoặc cao hơn mức lương này.

Tiền lương là yếu tố tăng năng suất lao động

Với việc Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng lương tối thiểu 6% từ ngày 1/7/2024, những người lao động đã được trả lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu mới thì việc điều chỉnh thực hiện theo các cam kết, thỏa thuận của các bên ghi trong thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, quy chế của DN.

“Đa phần các DN đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu dự kiến. Khi thực hiện mức lương tối thiểu mới, chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc. Đối với nhóm lao động hiện nay đang hưởng lương thấp thì phải điều chỉnh lại tiền lương để bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu mới” - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh thông tin.

 

Cùng với đề xuất tăng lương tối thiểu tháng và lương tối thiểu giờ mức 6% từ ngày 1/7/2024, Bộ LĐTB&XH rà soát, điều chỉnh lại một số địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng.

Theo Bộ LĐTB&XH, việc điều chỉnh phân vùng sẽ tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lân cận; tăng tính cạnh tranh về việc làm, thu hút lao động, từ đó thúc đẩy tăng trưởng cho các địa phương được điều chỉnh phân vùng.

Giải pháp điều chỉnh phân vùng không làm phát sinh chi phí cho DN nhưng có tác động đáng kể đến đời sống của người lao động do mức sống tối thiểu của một số địa bàn đã có sự thay đổi và cao hơn mức lương tối thiểu của địa bàn đó; tác động đến sự phát triển thị trường lao động.

Giải pháp điều chỉnh phân vùng về cơ bản sẽ tạo điều kiện cho người lao động cải thiện cuộc sống, tạo tâm lý tích cực và góp phần duy trì ổn định trật tự xã hội.

Việc tăng lương tối thiểu từ 1/7/2024 sẽ tạo điều kiện cho người lao động cải thiện cuộc sống; hỗ trợ tích cực cho DN và người lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Việc tăng lương tối thiểu sẽ hạn chế các tranh chấp lao động tập thể, đình công, góp phần tích cực cho việc duy trì ổn định trật tự xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% có sự chia sẻ, kết hợp hài hòa được lợi ích của người lao động và DN; với mục tiêu vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảm đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của DN.

Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, mức tăng 6% là sự cảm thông giữa người sử dụng lao động và người lao động trên tinh thần lợi ích hài hòa và chia sẻ rủi ro. DN dù khó khăn nhưng sẽ có cách khắc phục. Hy vọng với các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ cộng với giãn giảm thuế, cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính... sẽ tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh phát triển.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu - đại diện cho người lao động cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên người lao động nâng cao năng suất lao động, cùng với DN vượt khó và mong muốn các DN tiếp tục mở rộng thị trường để có thêm đơn hàng, việc làm cho người lao động.

Theo các chuyên gia an sinh xã hội, khi Chính phủ điều chỉnh tăng lương tối thiểu 6% từ 1/7 đối với những DN có điều kiện phát triển mạnh thì việc điều chỉnh không gặp khó khăn. Nhưng với những DN làm ăn khó khăn, việc tăng lương sẽ có tác động theo chiều ngược lại, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh. Nhưng cơ bản, các DN phải chấp hành quy định để chia sẻ, khuyến khích người lao động gắn bó với công ty và tăng năng suất lao động.

Mức lương tối thiểu là sàn an sinh xã hội và quyền cơ bản của con người. Hiện nay rất nhiều nước quan tâm đến mức lương tối thiểu thỏa đáng không chỉ bảo đảm trang trải chi phí cần thiết cho người lao động và gia đình mà còn cần một khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai. Vì vậy, TS Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động

Việt Nam, cho biết, tổ chức công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia trong thời gian tới nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, tư vấn cho Chính phủ để tiền lương thực sự là động lực giúp người lao động và DN tăng năng suất lao động.

 

Việc các công ty tăng lợi ích, tăng sự cạnh tranh bằng cách không tăng lương cho người lao động là những đối sách ngắn hạn kiểu giật gấu vá vai. Làm theo cách này DN sẽ không phát triển bền vững vì không giữ được người lao động. Nhưng với những công ty, tập đoàn lớn nhiều khi lại coi trọng tăng lương, tăng phúc lợi cho người lao động nhằm giữ chân họ cũng như tạo sự phát triển ổn định cho DN.

Tôi thấy, nhiều công ty thực hiện tăng lợi ích, tăng cạnh tranh, tăng lợi nhuận ở các hành động như: hợp lý hóa nhân lực, tối ưu hóa tiêu chuẩn thao tác để tăng năng suất lao động; tiết kiệm, cắt giảm các chi phí không cần thiết; tự động hóa ở những vị trí mất nhiều nhân công nhằm giải phóng nhân công cho những công việc khác thay vì tuyển thêm lao động. DN phát động phong trào sáng kiến, sáng tạo để tăng năng suất, tăng chất lượng, giảm tỷ lệ lỗi, giảm chi phí... góp phần tăng lợi nhuận cho DN.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam Nguyễn Hoàng Long