Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng năng suất để nâng cao cạnh tranh

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Năng lượng xanh cho phát triển bền vững”, “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa” là hai Hội thảo chính tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 11/1.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo “Năng lượng xanh cho phát triển bền vững”, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, năng lượng luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển năng lượng xanh ngày nay đang trở thành xu thế mới, làm thay đổi nhanh chóng ngành năng lượng. Do đó, các chuyên gia kinh tế, các DN cần có những giải pháp cụ thể để phát triển và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng gắn với phát triển kinh tế bền vững Việt Nam.
Theo nguyên Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, năng lượng tái tạo là tương lai cho cả hành tinh. Con người đang đặt sinh mạng trong những rủi ro với biến đổi khí hậu đang gây ra tình trạng tị nạn, vì không đủ thực phẩm, năng lượng để sống, phải di cư từ quốc gia này sang quốc gia khác. Chúng ta cố gắng đưa ra giải pháp tốt nhất trong sử dụng năng lượng, nhưng cần phải làm có trách nhiệm.
“Khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, tôi đã đến những quốc gia Bắc Âu và những tảng băng đang làm cho quả đất không bền vững. Ở Mỹ, Miami, thủy triều cũng làm ngập các TP, sóng biển cao cũng phá vỡ những con đê phòng hộ, những siêu bão đã đổ vào Mỹ với tốc độ 185km/h, Houston cũng bị bão tấn công và gây ra hậu quả lâu dài”, ông John Kerry chỉ ra.
Có những sự kiện trước đây 25.000 năm/lần thì giờ lại chỉ theo chu kỳ 5 năm. Ngay nước Mỹ cũng phải chi 350 tỷ USD để ứng phó thảm họa thiên tai và còn hàng trăm tỷ nữa để khắc phục hậu quả. Các số liệu cho thấy người Việt Nam đang bị mắc nhiều bệnh do chất lượng không khí. Năm ngoái, 75% năng lượng được cung cấp từ tái tạo, than đá chiếm tỷ trọng ít, sản xuất điện không còn sử dụng nguyên  liệu hóa thạch.
Toàn cảnh Hội thảo.
“Những chính sách về năng lượng thông minh, có sẵn, không cần đợi 10 năm, 25 năm, chỉ cần đưa ra quyết định thông minh. Chính phủ Việt Nam đang muốn hướng tới nền tảng năng lượng khác biệt mà vẫn duy trì tăng trưởng, vì đang trong vị thế rất tuyệt vời để có những lựa chọn tốt hơn…”, vị này nói.
Trong khi đó, việc tìm ra giải pháp thiết thực để tăng năng suất lao động có tác dụng quyết định đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa”.
Việc thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn mới và các năm tiếp theo, trong bối cảnh nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam trên cơ sở có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất.
Đánh giá từ hội thảo cho thấy, nhìn chung mô hình tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua về cơ bản vẫn theo mô hình cũ, chậm được đổi mới, việc tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt, năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Văn Tuấn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, việc thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, có một điều đáng buồn là năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore, 17,6% của Malaysia và đặc biệt chỉ tương đương với 87,4% của Lào. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp thiết thực để tăng năng suất lao động có tác dụng quyết định đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
“Bên cạnh nỗ lực phát huy sức sáng tạo của chính mình, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng DN, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra giải pháp, các chính sách phù hợp trong bối cảnh khoa học công nghệ tiến bộ vượt bậc”, ông Tuấn nói.