Tăng niềm tin vào hàng Việt

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao vừa công bố kết quả khảo sát, bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018.

Điều đáng nói là hàng hóa có xuất xứ từ các nước Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đang dần nổi lên trong sự lựa chọn của người tiêu dùng (NTD) Việt.
Những thay đổi đáng ngại

Kết quả khảo sát cho thấy, sản phẩm trong nước vẫn chiếm được cảm tình của NTD Việt Nam. Cụ thể 51% NTD ưa thích hàng Việt, 60% NTD thường mua sản phẩm Việt. So với kết quả điều tra năm 2017, tỷ lệ này đã bị sụt giảm lần lượt là 27% và 32%. Một trong những vấn đề nổi cộm gần đây là niềm tin của NTD vào thương hiệu Việt có phần bị lung lay do nhiều DN làm ăn không minh bạch và thiếu chân chính.
 

Điển hình là trường hợp khăn lụa Khaisilk mang 2 nhãn mác Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, những thương hiệu Việt càng có uy tín trên thị trường lại phải đối diện với nạn hàng hàng giả, hàng nhái, khiến NTD hoang mang.

Tương ứng với sự sụt giảm của hàng Việt là tỷ lệ mua hàng ngoại tăng lên. Khảo sát năm 2017, sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc được NTD thường mua chiếm tỷ lệ dưới 3% thì nay đã tăng lên 8 - 10%, riêng các sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống tăng khá cao với 12 - 17%. Bên cạnh việc tận dụng tốt tâm lý “sính hàng ngoại” của NTD Việt, các DN Thái, Nhật, Hàn còn tận dụng được tâm lý thận trọng trong lựa chọn của khách khi e dè hàng Trung Quốc (0,6%). Ngoài ra, ở đây còn ẩn chứa nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó phải kể đến chiến lược thâm nhập thị trường mang tính bài bản và kế hoạch phát triển dài hạn của DN Thái, Nhật, Hàn.

Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên nhân khiến hàng tiêu dùng Thái, Nhật, Hàn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường Việt Nam là do các DN bán lẻ 3 nước này đang gia tăng thị phần bán lẻ thông qua việc thâu tóm hệ thống siêu thị. Cụ thể, Thái Lan có Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị; có B’smart với 75 cửa hàng tiện lợi và định hướng mở 3.000 cửa hàng; Big C có 32 siêu thị; Robinson với chuỗi siêu thị; Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim… Nhật Bản có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, hệ thống cửa hàng tiện ích Family Mart, 7-Eleven; Hàn Quốc có hệ thống siêu thị Lotte, Emart… “Hệ thống bán lẻ là nhân tố quan trọng để hàng ngoại tiếp cận và từng bước chinh phục NTD” - ông Phú nêu rõ.

Đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng

Để NTD sử dụng hàng Việt, hạn chế dùng hàng ngoại đòi hỏi chính các DN sản xuất phải nâng cao chất lượng. Phát biểu tại buổi tọa đàm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, chúng ta không thể chỉ kêu gọi suông người Việt dùng hàng Việt để chứng tỏ lòng yêu nước của mình. Chúng ta cũng sẽ không thể có câu trả lời đơn giản và một chiều với câu hỏi là "tại sao người Việt chưa dùng hàng Việt". Tâm lý của đa phần NTD hàng Việt Nam chỉ quan tâm hàng đó có tốt không, chất lượng thế nào và giá cả. “Không dễ dàng để chúng ta thuyết phục được NTD chỉ bằng việc vận động, kêu gọi. Đặc biệt ở những vùng nông thôn, thậm chí trong gia đình họ có 70 - 80% là hàng Trung Quốc. Đó là điều chúng ta rất nên suy nghĩ” - bà Loan bày tỏ.

Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương lớn, cần phải có những giải pháp tổng hợp từ chính sách của Nhà nước, từ phía các DN sản xuất, kinh doanh. Trong đó, các DN sản xuất, kinh doanh phải cải tiến, thích ứng với thị trường như cải tiến mẫu mã, tăng sức cạnh tranh giá cả và chất lượng hàng hóa, có văn hóa ứng xử với NTD trong mua bán, trong việc bảo hành sản phẩm, hậu mãi…

Ý kiến của các chuyên gia kinh tế, bán lẻ cho thấy, để hàng Việt cạnh tranh với hàng ngoại đòi hỏi chính bản thân DN không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt, ngắn hạn mà phải biết đặt lợi ích của NTD lên trên. Qua đó DN sẽ có lợi nhuận lâu dài, phát triển bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần