Tăng tốc áp dụng BIM trong đấu thầu xây dựng
Kinhtedothi - Việc áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong các dự án xây dựng tại Việt Nam đã được quy định tương đối đồng bộ trong hệ thống pháp lý hiện hành. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đang gặp nhiều rào cản, đặc biệt trong giai đoạn đấu thầu và thi công, ngành xây dựng cần một sự thay đổi toàn diện về tư duy, hành lang pháp lý và cách tiếp cận quản lý dự án.
Nhiều rào cản, bất cập
Thạc sĩ Phạm Phú Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng chia sẻ, việc triển khai BIM đồng bộ, kết hợp tư vấn thiết kế áp dụng BIM từ giai đoạn bắt đầu dự án để xử lý xung đột kỹ thuật qua mô hình BIM ở các giai đoạn thiết kế đã giúp tối ưu hóa hàng tỷ đồng do phát hiện sớm các sai sót trong thiết kế, giảm thiểu điều chỉnh mà không cần phải qua một bên tư vấn BIM thứ ba. Ông Phạm Phú Đức dẫn chứng, tại một số dự án như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình T.Ư Cần Thơ hay trụ sở điều hành sản xuất kinh doanh Công ty CP Thủy điện A Vương, BIM được triển khai từ giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho tới hoàn thành đưa vào sử dụng.
Thi công một dự án xây dựng ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Trong quá trình phối hợp, kiểm tra xung đột tại dự án của Công ty CP Thủy điện A Vương có tới hơn 2.500 (97%) xung đột kỹ thuật được ghi nhận và xử lý qua mô hình. Điều đó phản ánh sự bất cập trong phối hợp thiết kế, nhưng đồng thời cũng cho thấy BIM là công cụ hữu hiệu giúp “phơi bày” các sai sót ngay từ giai đoạn thiết kế – điều mà phương pháp truyền thống rất khó phát hiện trước. Tuy nhiên, ông Phạm Phú Đức nhấn mạnh, các rào cản lớn nhất hiện nay nằm ở công tác lựa chọn nhà thầu. Trong khi chủ đầu tư muốn áp dụng BIM để nâng cao chất lượng thiết kế và thi công, thì lại chưa có cơ chế rõ ràng để đánh giá năng lực BIM của nhà thầu. Việc đưa ra các yêu cầu về BIM không rõ ràng, thiếu đánh giá khách quan khiến nhiều đơn vị có năng lực và tiềm lực cạnh tranh về BIM bị loại sớm, một phần là do trong các dự án đầu tư vốn Nhà nước, các mục tiêu cốt lõi về giá trị của BIM chưa được chú trọng như các dự án tư nhân dẫn đến chi phí đầu tư áp dụng BIM bị lãng phí, không đem lại hiệu quả, trong khi dự án bị kéo dài thời gian.
Ngoài ra, rào cản lớn tiếp theo là tiêu chí áp dụng BIM trong hồ sơ mời thầu (HSMT) còn mập mờ, khó đánh giá định lượng. Một số chủ đầu tư vẫn sử dụng tiêu chí truyền thống, trong khi bản chất BIM yêu cầu quy trình số hóa toàn bộ, từ dữ liệu, phối hợp, đến giám sát và vận hành. "Tư vấn BIM" đang được xem là một tư vấn thẩm tra phụ (không có giá trị pháp lý) làm cho quy trình thực hiện dự án trở nên chồng chéo trách nhiệm trong khi bản chất của quy trình thực hiện không hề thay đổi công nghệ; khi đơn vị tư vấn thiết kế vẫn triển khai công việc theo cách làm truyền thống (vẫn gặp phải các vướng mắc của quy trình truyền thống, không thay đổi trực tiếp trên mô hình mà phải sửa lại toàn bộ hàng trăm, hàng ngàn bản vẽ một cách thủ công)" - ông Phạm Phú Đức cho hay.
Dưới góc độ DN trực tiếp triển khai ứng dụng BIM trong các dự án hạ tầng giao thông, theo ông Huỳnh Xuân Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kỹ thuật và Công nghệ V7, hiện nay, các văn bản pháp lý đã quy định khá rõ về sản phẩm mô hình BIM, phân loại theo đối tượng và hạng mục công trình. Đồng thời, các yếu tố liên quan đến Môi trường Dữ liệu chung (CDE), Nền tảng và Công cụ BIM cũng được quy định theo hướng mở, tạo điều kiện linh hoạt để tối ưu hóa chi phí triển khai – đây là một điểm rất tiến bộ, rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, về phía chi phí, Thông tư 12/2021/TT-BXD và bản cập nhật mới nhất là Thông tư 09/2024/TT-BXD đã nêu rõ các mức trần chi phí cho các dự án áp dụng BIM (dao động khoảng 15 – 20%) tùy theo giai đoạn lập dự án hay thiết kế sau thiết kế cơ sở so với các dự án không áp dụng BIM. Vấn đề nằm ở chỗ, chi phí này lại buộc phải hạch toán theo định mức lao động chuyên gia và nhân công. Điều này dẫn đến áp lực cho các đơn vị tư vấn, buộc phải duy trì số lượng lớn nhân sự để bảo đảm cơ sở pháp lý khi quyết toán với chủ đầu tư, cũng như trong quá trình thanh kiểm tra sau này.
Cần tư duy mới, thực tế
Từ phân tích của các chuyên gia có thể thấy rõ, BIM không còn là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu trong lộ trình hiện đại hóa ngành xây dựng. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả BIM trong đấu thầu và thi công cần được nhìn nhận là nền tảng cho xây dựng hiện đại, chứ không chỉ là công cụ kỹ thuật. Khi đó, chuyển đổi số sẽ không còn là khẩu hiệu mà trở thành động lực thật sự cho sự phát triển bền vững.
Ông Huỳnh Xuân Tín đề xuất giải pháp, nên có quy định cho phép khoán gọn phần chi phí gia tăng khi áp dụng BIM, tạo điều kiện để các DN chủ động lựa chọn hình thức triển khai – thuê thêm nhân công, ứng dụng công nghệ lập trình, hay AI (bảo đảm sản phẩm đầu ra đúng theo yêu cầu). Điều này sẽ giải phóng nguồn lực, thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiệu quả, đồng thời giúp công tác hạch toán minh bạch, thuận lợi hơn cho DN.
Còn với ông Nguyễn Tiến Thông - Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng, khi áp dụng công cụ sản xuất mới (Máy tính, phần mềm BIM, mô hình BIM) thì phương thức/quan hệ sản xuất cũ phải thay đổi (các quy định pháp luật, quy trình quản lý, phương pháp làm làm việc phối hợp giữa các bên liên quan) để nâng cao năng suất và hiệu quả, nếu không thì việc áp dụng BIM chỉ đem lại rắc rối và tốn kém.
Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đề xuất, đối với khu vực công, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Hệ thống phân loại cho ngành xây dựng tương tự như các Hệ thống phân loại Uniclass của Anh hoặc Omniclass của Mỹ để làm cơ sở cốt lõi cho việc áp dụng BIM theo đúng các chuẩn mực quốc tế (nếu không có hệ thống phân loại thì việc áp dụng BIM theo ISO 19650 sẽ thiếu đồng bộ, không hoàn chỉnh).
Điều chỉnh Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng,… để tạo cơ chế, đối với các dự án đầu tư công lớn, có yêu tố công nghệ độc quyền và được phép chỉ định thầu (ví dụ dự án đường sắt) cho phép Tư vấn thiết kế phối hợp với các nhà thầu tiềm năng để phát triển thiết kế chi tiết ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án (theo nguyên tắc Macleamy) để có cơ sở chính xác so sánh, lựa chọn phương án tối ưu và tìm kiếm các giải pháp chống độc quyền công nghệ.
Còn với khu vực tư, không chờ đợi chính sách khoa học công nghệ của Nhà nước, nên chủ động áp dụng hệ thống phân loại Uniclass 2015 của Anh để triển khai áp dụng BIM theo các chuẩn mực quốc tế. Chủ động thực hiện theo nguyên tắc Macleamy để có cơ sở lựa chọn phương án thiết kế tốt nhất, mở nhất về công nghệ ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án.
Trích dẫn
Một điểm yếu lớn hiện nay là chưa có quy định cụ thể về áp dụng BIM trong giai đoạn thi công - khâu chiếm tỷ trọng lớn trong dự án xây dựng. Hệ quả là nhà thầu và tư vấn đấu thầu thường hiểu khác nhau về các yêu cầu BIM, gây khó khăn trong việc lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu.

Tổng Công ty UDIC tích cực xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Kinhtedothi- Sáng ngày 24/7, Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC đã trang trọng tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2025.

TP Hồ Chí Minh quyết liệt chấn chỉnh tình trạng xây dựng trái phép, không phép
Kinhtedothi - Trước thực trạng xây dựng không phép, trái phép còn diễn biến phức tạp, Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là hành vi bao che, tiếp tay của cán bộ, công chức.

Nghị quyết của “ý Đảng, lòng Dân” – Phấn đấu xây dựng phường Thanh Xuân “kiểu mẫu’
Kinhtedothi - Tiếp tục quán triệt và vận dụng bài học kinh nghiệm “phải dựa vào nhân dân, mọi quyết định phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân”, phấn đấu xây dựng phường Thanh Xuân “kiểu mẫu” trên nhiều lĩnh vực. Đây là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tại Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ phường Thanh Xuân nhiệm kỳ 2025 – 2030.