Cuối năm 2023, khi thị trường vé máy bay Tết Nguyên đán đang ngày một tăng nhiệt thì một thông tin “sốt dẻo” liên quan đến vấn đề này bất ngờ xuất hiện. Đó là việc Bộ GTVT ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của thông tư này chính là việc trần giá vé máy bay sẽ được điều chỉnh tăng lên. Theo đó, giá vé máy bay phổ thông nội địa sẽ tăng trung bình từ 3,75 - 6,67%, trong đó có đường bay tăng lên 4 triệu đồng/vé một chiều.
Giá vé máy bay hạng phổ thông trên 4 đường bay nội địa sẽ tăng từ 2,27% đến 6,67%, tăng trung bình 3,75%. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ 1/3/2024. Theo lý giải của Cục Hàng không Việt Nam, trần giá vé máy bay vẫn được giữ ổn định từ năm 2019. Nhưng chi phí nhiên liệu tại thời điểm tháng 12/2022 của các hãng hàng không tăng gần 62,4% so với tháng 12/2014 và tăng xấp xỉ 81% so với tháng 9/2015.
Trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí của các hãng bay. Do đó, việc tăng trần giá vé máy bay vào thời điểm này là phù hợp.
Việc Bộ GTVT quyết định tăng trần giá vé máy bay đúng vào thời điểm thị trường vé máy bay đang ngày một “tăng nhiệt” trong thời gian qua đã khiến dư luận không khỏi lo lắng.
Thậm chí, mới đây, cử tri tỉnh Bình Định đã có kiến nghị gửi Bộ GTVT về tình trạng giá vé máy bay đang quá cao, không ổn định nên kiến nghị xem xét giảm giá vé máy bay.
Tuy nhiên, ngay lập tức Bộ GTVT đã lên tiếng bác bỏ khả năng trên. Theo cơ quan này, giá vé máy bay (cả nội địa và quốc tế) đang thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt, với nhiều dải giá từ thấp đến cao. Giá vé máy bay tùy tình hình thị trường (cung - cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé, chất lượng dịch vụ…
Bộ GTVT còn cho rằng, giá vé máy bay theo cơ chế thị trường, giai đoạn cao điểm cầu sẽ vượt cung, các hãng hàng không đều tăng tỷ lệ vé ở giá cao. Ngược lại, giai đoạn thấp điểm, hoặc các chuyến bay lệch đầu (chiều bay nhu cầu thấp, như Bắc vào Nam trước Tết, Nam ra Bắc sau Tết) nhu cầu khách thấp, các hãng hãng không đều giảm giá vé.
Riêng giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bộ GTVT cho biết, đã chỉ đạo các hãng hàng không tăng chuyến bay phục vụ trong ngày cao điểm; theo dõi sát tình hình đặt vé của người dân để có điều chỉnh cho phù hợp; hỗ trợ các hãng hàng không tìm kiếm, điểm bán và thuê thêm máy bay phục vụ cao điểm Tết.
PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh chi phí đầu vào biến động mạnh, các hãng bay chịu sức ép rất lớn từ chi phí giá nhiên liệu tăng cao thì việc tăng trần giá vé máy bay nội địa là phù hợp và cần thiết, cũng để tạo điều kiện cho các hãng hàng không tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, việc tăng trần giá vé máy bay là phù hợp nhưng cần có sự tính toán một cách hợp lý về mức tăng, thời điểm tăng để tránh việc tăng trần sẽ gây xáo động đến thị trường vé máy bay, nhất là vào thời điểm giáp Tết khi thị trường này luôn “nóng” hơn bao giờ hết.
“Mức tăng cần được tính toán kỹ dựa trên sự biến động các yếu tố chi phí đầu vào, hài hòa lợi ích DN và người tiêu dùng, hạn chế mức thấp nhất áp lực cho việc tăng chỉ số giá tiêu dùng” - PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.
Trong khi đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nâng giá trần có thể lên đến 4 triệu đồng/vé/chiều hay 5 triệu đồng/vé/chuyến không phải vấn đề quan trọng mà điều quan trọng nhất là việc khi được nâng giá trần, đồng nghĩa với giá vé máy bay sẽ được tăng cao thì các hãng hàng không phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ sao cho xứng đáng với số tiền hành khách bỏ ra để mua vé.
“Giá trần là giá tối đa, là ngưỡng để các DN phải cạnh tranh để hạ giá thành. Việc nâng giá trần phải đi đôi với an toàn bay, giờ bay, chất lượng dịch vụ bay mới là vấn đề quan trọng” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.