Tạo cơ chế chủ động cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được dạy chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT sẽ có điều kiện để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; cũng như thu hút được thêm số học sinh tốt nghiệp THCS vừa học nghề vừa học văn hóa.

Trường nghề được dạy chương trình GDTX

Văn phòng Chính phủ, ngày 23/2 đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến Bộ GD&ĐT về việc giảng dạy chương trình GDTX tại các cơ sở GDNN. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp để khẩn trương có văn bản hướng dẫn các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho những cơ sở GDNN, cơ sở giáo dục đại học tham gia tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT để đảm bảo quyền lợi học tập liên thông, suốt đời của người học.

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tổ chức dạy học Chương trình 9+ (vừa học văn hóa, vừa học nghề).
Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tổ chức dạy học Chương trình 9+ (vừa học văn hóa, vừa học nghề).

Đón nhận thông tin này, lãnh đạo và cán bộ, giảng viên, giáo viên các cơ sở GDNN vô cùng phấn khởi. Bởi chủ trương tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN được dạy chương trình GDTX cấp THPT là mong muốn của cả hệ thống giáo dục. Thực tế cho thấy, số học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký đi học chương trình 9+ (vừa học văn hóa chương trình GDTX bậc THPT; vừa học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng) các năm gần đây ngày càng tăng. Những cơ sở GDNN thu hút được nhiều học sinh theo học chương trình 9+ có thể kể đến là trường Trung cấp nghề (TCN) Tổng hợp Hà Nội, trường TCN Cơ khí I Hà Nội, trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghệ cao Hà Nội, trường CĐN Công nghiệp Hà Nội, trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, trường CĐ Cơ điện Hà Nội,...

Tuy nhiên, năm 2021 đã có những rào cản về các quy định dạy văn hóa cho học sinh chương trình 9+. “Cơ sở GDNN thực hiện công tác tuyển sinh, quản lý, tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm và phối hợp dạy văn hóa; nhưng đầu mối quản lý và cấp bằng văn hóa lại là trung tâm GDTX thuộc ngành GD&ĐT nên có bất tiện...” – Chủ tịch Hội đồng trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho hay.

Khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có chỉ đạo cho phép cơ sở GDNN được dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT giống như nút thắt được cởi trói. Trong ảnh, các em học sinh tốt nghiệp THCS học văn hóa và học nghề tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.
Khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có chỉ đạo cho phép cơ sở GDNN được dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT giống như nút thắt được cởi trói. Trong ảnh, các em học sinh tốt nghiệp THCS học văn hóa và học nghề tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Vì thế, khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có chỉ đạo cho phép cơ sở GDNN được dạy chương trình GDTX cấp THPT giống như nút thắt được cởi trói. Theo lãnh đạo các trường nghề, khi các cơ sở GDNN được dạy chương trình GDTX cấp THPT sẽ có sự chủ động trong mọi hoạt động. Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường chia sẻ: Khi nhà trường phối hợp trong thực hiện mô hình 9+, có trung tâm GDTX vì thiếu giáo viên cơ hữu đã thuê đội ngũ bên ngoài, dẫn đến chất lượng giảng dạy văn hóa không đảm bảo, ảnh hưởng đến người học. Ngoài ra, vì cả 2 đơn vị cùng quản lý học sinh 9+ khiến cơ sở GDNN không thể chủ động khi tổ chức các hoạt động.

Giải pháp phân luồng học sinh hiệu quả

Để cơ sở GDNN được dạy chương trình GDTX bậc THPT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ LĐTB&XH và các cơ quan có liên quan để khẩn trương hoàn thiện và ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn về việc các cơ sở GDNN “trăm hoa đua nở” tổ chức dạy chương trình 9+ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chương trình 9+. Chủ tịch Hội đồng trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho rằng: Có những cơ sở GDNN đủ điều kiện vừa dạy văn hóa THPT vừa dạy nghề; nhưng cũng có nhiều cơ sở chưa hẳn đảm bảo được cả hai hoạt động này. Có thể họ dạy tốt văn hóa nhưng chưa dạy tốt nghề và ngược lại. Vì thế, cơ quan quản lý cần có sự xem xét, đánh giá cẩn thận khi cấp chỉ tiêu, không thể theo cảm tính.

Về phía các trường nghề cho rằng, khi được Thủ tướng cho phép dạy chương trình GDTX bậc THPT, họ sẽ đề nghị tăng quy mô tuyển sinh tùy theo điều kiện thực tế. Đồng thời, tuyển thêm cán bộ giáo viên để đáp ứng yêu cầu về đảm bảo chất lượng cũng như các quy định trong đào tạo; hoặc có thể hợp đồng với các trường THPT để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho rằng: Khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT, chất lượng dạy nghề và văn hóa sẽ đảm bảo và phân luồng tốt hơn.
Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho rằng: Khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT, chất lượng dạy nghề và văn hóa sẽ đảm bảo và phân luồng tốt hơn.

Hiệu trưởng trường Cao đẳng CĐ Hà Nội Đồng Văn Ngọc mong muốn Bộ GD&ĐT sớm ra văn bản hướng dẫn để các cơ sở GDNN đủ điều kiện để dạy các môn văn hóa là tốt nhất. Vài trường chúng tôi đủ điều kiện để giảng dạy nên rất thuận lợi. Chúng tôi đảm bảo cho học sinh về chất lượng học nghề và chất lượng học các môn văn hóa; đó cũng là cách để xây dựng thương hiệu cho nhà trường.

Học sinh tốt nghiệp THCS theo học Chương trình 9+ tại trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. 
Học sinh tốt nghiệp THCS theo học Chương trình 9+ tại trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. 

Cho phép cơ sở GDNN được dạy chương trình GDTX cấp THPT cũng là giải pháp thực hiện phân luồng học sinh theo Quyết định 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025”. Theo quan điểm của Phó Hiệu trưởng trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Hằng Nga, sự phân luồng này là chủ trương, các trường thực hiện có sự chủ động thì công tác đào tạo sẽ bài bản và tốt hơn. “Với mô hình 9+, học sinh được thi tốt nghiệp THPT để lấy bằng, lại có bằng nghề để ra trường đi làm được luôn. Các em cũng có thể xét tuyển sinh vào học đại học. Việc miễn học phí cho học sinh 9+ rất tốt nhưng vấn đề mấu chốt chính là chất lượng đào tạo. Nếu các cơ sở GDNN đào tạo Chương trình 9+ chất lượng tốt, chắc chắn sẽ tác động rất lớn vào công tác phân luồng học sinh sau THCS” – cô Hằng Nga nhận định.