Tạo của để dành cho người dân

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn Hà Nội đều được hỗ trợ thêm tiền đóng trong giai đoạn 2022 - 2025.

Đó là nội dung được quy định trong Kế hoạch số 234/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.

Chính sách này nhằm giảm áp lực tài chính cho người dân, khuyến khích họ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, mức sống lẫn thu nhập đều giảm sút.

Trong kế hoạch 234, TP Hà Nội sẽ trích kinh phí từ ngân sách, hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người dân trên địa bàn, mức 10 - 30% tùy nhóm. Điều đặc biệt là với hộ nghèo sẽ được mức hỗ trợ cao nhất 30%.

Trên thực tế, chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam ra đời từ năm 2008, dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Dù biết, BHXH tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội quan trọng, giúp người dân có thể tích lũy, lĩnh lương hưu khi về già, nhất là với những người không có hợp đồng lao động, không có việc làm ổn định. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không mặn mà với loại hình bảo hiểm này.

Sau 14 năm triển khai, con số đạt được là khá khiêm tốn, cả nước có khoảng 1,45 triệu người tham gia. Tỷ lệ bao phủ đạt 2,96% số người trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ này ở Hà Nội cũng không được khả quan.

Bởi vì những lao động tự do, đặc biệt những người buôn thúng bán mẹt, hoặc những nông dân chân lấm tay bùn ở vùng ngoại thành, một tháng cũng chỉ kiếm được 3 - 5 triệu đồng. Cả gia đình trông vào mức thu nhập vài ba triệu đồng đó, nếu trích mỗi tháng vài trăm nghìn để đóng BHXH tự nguyện cũng là vấn đề lớn với người dân.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022, mức chuẩn nghèo nông thôn tăng từ 700.000 lên 1,5 triệu đồng, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất cũng tăng từ 154.000 đồng lên 330.000 đồng mỗi tháng (gấp 2,14 lần).

Lao động eo hẹp về tài chính dẫn tới việc vận động tham gia BHXH tự nguyện khó khăn. Thời gian qua, BHXH Hà Nội tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện cho người dân bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, cần phải có một thời gian để người dân “thấm” và hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của loại hình bảo hiểm này.

Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành bảo hiểm mà cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị để thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi của người dân. Và để tăng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện, TP Hà Nội đã quyết định trích nguồn ngân sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người dân.

Hà Nội là đơn vị tiên phong trong cả nước thực hiện chính sách hỗ trợ đóng BHXH cho người dân theo từng nhóm. Điều này thể hiện sự quan tâm sát sao của cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở đối với những trường hợp khó khăn, tạo điều kiện cho tất cả người dân được tiếp cận với lưới an sinh xã hội.

Đó cũng là giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng, trợ cấp hưu trí, qua đó giảm gánh nặng cho ngân sách chi cho các trường hợp bảo trợ xã hội, người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội trong tương lai không xa.

UBND TP yêu cầu các sở, ngành, UBND cấp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHXH tự nguyện để người dân hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của việc tham gia BHXH đối với vấn đề an sinh xã hội, từ đó tạo sự thống nhất, đồng thuận trong thực hiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần