Dạy thêm, học thêm là nhu cầu tất yếu nhưng quản lý hoạt động này thế nào để bảo đảm công bằng, minh bạch, giảm áp lực cho học sinh thì vẫn là câu chuyện khó.
Học thêm - nhu cầu chính đáng của học sinh, phụ huynh
Trước thềm năm học mới, anh Phan Văn Tú, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội, tìm mọi cách để xin cho con vào lớp học thêm của cô giáo chủ nhiệm. Anh cho rằng, học sinh lớp 9 như con anh, việc tìm lớp học thêm thời điểm này là muộn nhưng, thà muộn còn hơn không.
“Tôi rất tin vào lực học của con gái nhưng năm tới sẽ là kỳ thi lớp 10 đầu tiên theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nếu không có sự chuẩn bị chắc chắn, bài bản về kiến thức, không dám chắc con sẽ bản lĩnh vượt qua”, anh Tú cho biết, ở đây không có chuyện cô giáo ép buộc hay tác động gì với các con và phụ huynh, anh thậm chí phải năn nỉ cô mới cho con học vì số chỗ đã không còn.
Thực tế cho thấy, học thêm hiện nay là nhu cầu trước hết từ phía phụ huynh và học sinh. PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định: hoạt động dạy thêm, học thêm ngày càng trở nên phổ biến, một phần do điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, sự kỳ vọng quá mức của phụ huynh về con cái dẫn đến tâm lý tranh đua học thêm, học thêm lấy được.
Từ góc nhìn của một giáo viên dạy trường tư thục, nhà giáo Phan Kim Dung, Trường THCS - THPT Phenikaa phân tích: học thêm trở thành một phần không thể thiếu trong kế hoạch học tập mà phụ huynh xây dựng cho các con của mình. Với học sinh trường công lập, nhu cầu học thêm thường xuất phát từ việc sĩ số lớp học đông, giáo viên khó quan tâm đầy đủ đến từng học sinh hoặc do trình độ học sinh không đồng đều. Với hệ thống dân lập, học sinh cần sự hỗ trợ ngoài giờ học chính thức để theo kịp chương trình hoặc nâng cao kiến thức.
“Học sinh cần học thêm. Dù chương trình giáo dục phổ thông mới đã hướng đến những năng lực, phẩm chất toàn diện của người học nhưng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, một chương trình học chung không thể đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa học tập của người học” - PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - một chương trình chung khó có thể giúp bồi dưỡng và phát triển tài năng từ sớm. Học sinh tài năng sẽ cần học thêm những chương trình tăng tốc hoặc nâng cao để phát triển tối ưu tiềm năng, thế mạnh của mình. Mỗi người có yêu cầu lộ trình học tập và rèn luyện các năng lực, phẩm chất nghề nghiệp khác nhau. Vì vậy, để phát triển tối đa tiềm năng của cá nhân, nhu cầu học thêm là có thực và hoàn toàn chính đáng.
Dạy thêm - lao động mưu sinh và cống hiến
Không ít giáo viên, ban đầu không có ý định mở lớp dạy thêm nhưng do được phụ huynh tín nhiệm, thầy cô mới nhận lời giúp đỡ. Đây là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Mai, trú tại quận Thanh Xuân, phụ huynh có con năm nay lên lớp 4.
Chị Mai lể lại: “Khi con tôi học lớp 3, con làm bài tập toán hay viết bài văn đều chậm hơn các bạn. Do bận việc kinh doanh, phương pháp sư phạm không có nên tôi chọn phương án cậy nhờ giáo viên chủ nhiệm”.
Ban đầu chị Mai cùng 2 phụ huynh trong lớp cùng nguyện vọng mời cô kèm thêm cho con; tuy nhiên, số phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm lên đến hơn 20. Sau khi tìm được một địa điểm gần trường và thống nhất ý kiến của các phụ huynh, chị mời cô đứng lớp. Dù bận việc gia đình và trước đó không hề có ý định mở lớp, cô giáo đã đồng ý và cố gắng sắp xếp việc nhà để dạy các con.
Một thầy giáo dạy toán tại một trường công lập với thâm niên dạy thêm 12 năm (không muốn nêu tên, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Khi biết tôi dạy ở trung tâm, rất nhiều phụ huynh có con học tại lớp tôi chủ nhiệm và phụ huynh ở trường ngoài đến xin học. Trong số đó, không ít em nhà cách trung tâm hơn 10km, thậm chí có những em học thêm ở trung tâm xuyên suốt 5 - 7 năm.
"Việc phụ huynh tin tưởng, học sinh yêu mến vừa là động lực, vừa là áp lực với tôi. Tôi coi dạy thêm không đơn thuần là lao động mưu sinh mà còn là lao động sáng tạo và cống hiến. Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp đã làm việc say mê, trách nhiệm, có lúc muốn nghỉ nhưng nghĩ đến học sinh và phụ huynh lại cố gắng để tiếp tục duy trì. Phần thù lao từ dạy thêm tất nhiên cũng mang lại cho tôi nguồn thu nhập đáng kể”.
Giống như thầy giáo nói trên, đa số giáo viên dạy thêm là những thầy cô giỏi chuyên môn, tận tâm với học sinh. Muốn tạo dựng được uy tín ở các lớp dạy thêm, thầy cô giáo phải có năng lực thực sự, không ngừng nâng cao kiến thức, phương pháp dạy học để đào tạo được những học sinh giỏi và kèm cặp học sinh yếu đạt hiệu quả; đặc biệt, năng lực của thầy cô thường được chứng minh bằng số thí sinh đỗ chuyên, đỗ lớp 10 trường tốp đầu, đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi, điểm thi tốt nghiệp cao, đỗ các trường đại học danh tiếng hoặc những em trước đó không tin vào năng lực bản thân nhưng sau khi học thêm đã vươn lên đạt thành tích tốt…
Từ thực tế trên, PGS.TS Trần Thành Nam ủng hộ việc giáo viên dạy thêm phù hợp. Dạy thêm ở đây được hiểu là giáo viên sử dụng những năng lực, chất xám, kỹ năng chuyên môn sâu đã qua đào tạo để tạo ra giá trị mới và kiếm thêm thu nhập một cách chính đáng.
Tại dự thảo thông tư mới ban hành, Bộ GD&ĐT cho phép giáo viên trường công được đàng hoàng dạy thêm học sinh của mình, điều này trái ngược với quy định hiện hành.
Cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên một trường THCS tại quận Hà Đông cho biết: “Ngành nào có nhu cầu xã hội và nếu là ngành nghề chính đáng thì đều được phép đi làm thêm. Dạy thêm là làm việc ngoài giờ, là lao động trí óc, là hoạt động truyền thụ kiến thức đến học sinh và tăng thu nhập chính đáng cho thầy cô giáo. Việc thầy cô trường công lập được dạy học sinh của mình là chuyện bình thường. Với quy định mới, giáo viên công lập được đàng hoàng dạy thêm. Điều này tạo công bằng đối với thầy cô giáo”.
Quản lý dạy thêm, học thêm thế nào?
Dư luận từng đề cập rất nhiều đến những tiêu cực khi để giáo viên chủ nhiệm dạy chính học sinh mình dạy trên lớp, đó là cắt xén kiến thức để mang về lớp học thêm; ra đề kiểm tra vào những bài đã dạy ở lớp học thêm để học sinh được điểm cao; tỏ thái độ với học sinh không đi học thêm nhằm “đánh động” phụ huynh…
Do vậy, việc cho phép giáo viên trường công được dạy học sinh của mình ở lớp dạy thêm vừa được nhìn nhận tích cực nhưng cũng đặt ra không ít băn khoăn. Vấn đề cốt lõi ở đây là quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm như thế nào để phát huy hiệu quả?
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, nếu không có những giải pháp đột phá, không đặt vào bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục đang diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay thì rất khó quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm một cách phù hợp.
“Tôi cho rằng công nghệ có thể góp phần giải quyết được vấn đề này. Chúng ta cần nghĩ đến một cơ chế để quản lý việc học thêm và dạy thêm trên nền tảng trực tuyến thống nhất toàn quốc và theo từng địa phương” - PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ ý tưởng.
Theo đó, bất cứ một chương trình dạy thêm nào đều phải được đăng ký trên hệ thống này; trong đó nêu rõ đề cương chi tiết học phần, các chuẩn đầu ra để đảm bảo không trùng với chương trình chính khóa.
Học phần dạy thêm sẽ có những hoạt động học trên hệ thống trực tuyến và có những phần học trực tiếp nhưng việc đánh giá phải được thực hiện trên hệ thống.
Những hệ thống như vậy có thể phân tích dữ liệu học tập của học sinh, đưa ra đề xuất phù hợp về thời gian, nội dung học thêm để không quá tải và theo thiên hướng nghề nghiệp, tiềm năng của từng cá nhân. Hệ thống cũng có thể giúp đánh giá chất lượng dạy của giáo viên trong từng lĩnh vực cụ thể, cung cấp phản hồi để giáo viên cải tiến chất lượng giảng dạy, chia sẻ với phụ huynh về sự tiến bộ của học sinh; đồng thời chia sẻ dữ liệu với cơ quan quản lý, bảo đảm minh bạch về cả nội dung và thời gian dạy thêm.
Song song với việc đề xuất nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, nên có thêm quy định “chỉ những người có chứng chỉ hành nghề mới được đăng ký dạy thêm trên hệ thống”. Điều này giúp khẳng định vị thế nhà giáo, có sự phân biệt rõ giữa những khóa học được kiểm chứng chất lượng và những khóa học kỹ năng tự phát đang lan tràn hiện nay.
Để giải quyết những trăn trở cố hữu về dạy thêm, học thêm, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, cần có cách tiếp cận toàn diện và có hệ thống về vấn đề này. Cụ thể là, Bộ GD&ĐT cần lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, thử nghiệm các mô hình quản lý mới và bảo đảm chính sách đưa ra phải phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của cả giáo viên lẫn học sinh. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh với những chính sách toàn diện, thực tiễn để bảo đảm mục tiêu giáo dục phải được đặt lên cao nhất.