Lãnh đạo tỉnh Bình Định vừa cho biết, hiện báo cáo Dự án Lọc hóa dầu tại Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Bộ Công thương vừa trình Chính phủ báo cáo về Dự án lọc hóa dầu Victory tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Dự kiến đây là một siêu dự án với tổng vốn đầu tư lên tới 22 tỷ USD.
Ảnh minh hoạ
|
Theo báo cáo, dự án sẽ có quy mô khoảng 1.400ha với công suất 400.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 20 triệu tấn/năm). Đến năm 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 660.000 thùng/ngày (tương đương 30 triệu tấn/năm). Nguồn dầu thô sẽ sử dụng dầu thô được cung cấp từ 3 khu vực chính: Trung Đông, Châu Phi và Mỹ La Tinh.
Chủ đầu tư chính của dự là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco (Ả-rập Saudi). Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã có văn bản giải trình thêm việc mong muốn một tập đoàn nhà nước của Việt Nam tham gia góp vốn. Dự kiến tỷ lệ góp vốn như sau: PTT 40 - 45%; Saudi Aramco 40 - 45% và đối tác Việt Nam 15 - 20%.
Trong khi đó, tại cuộc họp ngày 30/9 vừa qua, hội đồng thẩm định dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội do Bộ Công Thương chủ trì đã họp và thống nhất trình Thủ tướng xét xét, phê duyệt. Tuy nhiên, hội đồng yêu cầu chủ đầu tư giải trình rõ hơn về mong muốn nhà đầu tư Việt Nam tham gia và khả năng cam kết vốn.
Trước đó, để đón đầu dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội, Cty TNHH Điện lực Ratchaburi Electricity Generating Limited (RATCH, Thái Lan) và Cty TNHH Phát triển Năng lượng KST (liên doanh Việt Nam - Thái Lan) đã có văn bản trình UBND tỉnh Bình Định xin đầu tư dự án nhiệt điện và cấp thoát nước tại khu kinh tế Nhơn Hội.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, đây là 2 dự án tách rời, nên phải đợi khi nào Chính phủ chấp thuận cho đầu tư dự án lọc hóa dầu mới xem xét dự án này. “Hai nhà đầu tư trên chưa đề cập tới số vốn đầu tư vào những dự án phụ trợ”, vị này cho biết.
Nếu được Thủ tướng chấp thuận cho đầu tư, Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội sẽ thành dự án đầu tư nước ngoài có tổng vốn lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 22 tỷ USD, công suất chế biến 400.000 thùng dầu thô/ngày (20 triệu tấn dầu thô/năm), với tên gọi Dự án Victory Project.