Điều tra dịch tễ học cho thấy có đến 63% số sinh viên đại học ở Mỹ cảm thấy vô cùng lo lắng trong năm thứ nhất.
Mức độ lo lắng cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm và có thể góp phần gây ra bệnh tiểu đường và các vấn đề về tim mạch
Một nghiên cứu khác cho thấy những người mắc chứng lo âu có xu hướng ít vận động hơn và thực hiện các hình thức hoạt động thể chất ít cường độ hơn. Điều đáng nói là giải pháp phi y tế tốt nhất mà chúng ta có để ngăn ngừa và điều trị chứng lo âu là vận động, tập luyện thể dục - thể thao.
Nghiên cứu cho thấy một chuyến đạp xe đơn giản, tham gia lớp học khiêu vũ hoặc thậm chí là đi bộ nhanh có thể là công cụ hữu hiệu cho những người mắc chứng lo âu mãn tính.
Những hoạt động như thế này cũng giúp ích cho những người đang cảm thấy quá căng thẳng và lo lắng về bài kiểm tra sắp tới, một bài thuyết trình lớn hoặc một cuộc họp quan trọng.
Làm thế nào để tập thể dục giúp giảm bớt lo lắng? Vận động cơ thể sẽ làm giảm căng cơ, giảm tác nhân gây ra cảm giác lo lắng của cơ thể. Việc tăng nhịp tim sẽ làm thay đổi hóa học trong não, tăng khả năng cung cấp các chất hóa học thần kinh chống lo âu quan trọng, bao gồm serotonin, axit gamma aminobutyric (GABA), yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF) và endocannabinoids.
Tập thể dục kích hoạt các vùng não phía trước chịu trách nhiệm về chức năng điều hành, giúp kiểm soát amygdala, hệ thống phản ứng của chúng ta trước các mối đe dọa thực sự hoặc tưởng tượng đối với sự sống còn của chúng ta. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi trước những cảm xúc lo lắng.
Vậy chính xác, một người cần tập thể dục bao nhiêu để bảo vệ khỏi các giai đoạn lo âu và rối loạn lo âu? Mặc dù việc xác định chính xác điều này không hề dễ dàng, nhưng một phân tích tổng hợp gần đây thấy những người mắc chứng rối loạn lo âu hoạt động thể chất ở mức độ cao cải thiện các triệu chứng lo âu tốt hơn so với những người hoạt động thể chất thấp. Như vậy, khi nói đến việc điều trị chứng lo âu, tập thể dục nhiều hơn sẽ tốt hơn.
Loại bài tập bạn chọn có thể không quan trọng lắm, bất cứ bài tập nào cũng hữu ích. Điều quan trọng là hãy thử các hoạt động và tiếp tục thực hiện chúng.
Để tối đa hóa lợi ích của việc tập luyện trong cải thiện tình trạng lo âu, chúng ta cần chọn môn vận động thú vị, thích hợp với khả năng để có thể vận động lâu dài.
Hãy tập luyện với một người bạn hoặc trong một nhóm để nhận được thêm lợi ích từ sự hỗ trợ xã hội.
Nếu có thể, hãy tập thể dục trong thiên nhiên hoặc không gian xanh để giảm căng thẳng và lo lắng hơn nữa. Hãy ghi nhớ những cảm giác thoải mái hơn, bớt lo lắng trong và sau tập luyện và lấy chúng làm động lực để tiếp tục hoạt động thể chất mỗi ngày.