Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung ruộng đất - nhìn từ mô hình lúa hữu cơ tại Hà Nội

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, tập trung ruộng đất luôn là bài toán khó đối với các địa phương trên cả nước nhằm phát triển những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá, quy mô lớn. Tại Hà Nội, bước đầu xuất hiện những mô hình có cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề này.

Không lo mất đất nông nghiệp

Hơn 2 năm trước, bà Phạm Thị Hạnh ở thôn 2 (xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ) quyết định ký hợp đồng uỷ quyền cho thuê đất với Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Bị. Đây là diện tích đất mà gia đình nhiều năm không canh tác lúa do tập trung chuyển hướng buôn bán, kinh doanh.

“Khi ký hợp đồng với hợp tác xã để cho đơn vị khác sản xuất, chúng tôi hoàn toàn yên tâm vì không lo những diện tích đất bị mất đi. Thêm nữa, trung bình mỗi năm, gia đình được trả 55 kg gạo trên mỗi sào uỷ quyền đất cho thuê. Nhờ đó vẫn bảo đảm được nhu cầu về lương thực hàng ngày…” - bà Hạnh cho biết.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội và doanh nghiệp thăm mô hình lúa hữu cơ trên địa bàn xã Quảng Bị. Ảnh: Trọng Tùng.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội và doanh nghiệp thăm mô hình lúa hữu cơ trên địa bàn xã Quảng Bị. Ảnh: Trọng Tùng.

Tương tự, hộ ông Phạm Viết Tế ở thôn 1 (xã Quảng Bị) cũng giao hơn 1 mẫu đất nông nghiệp cho Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Bị. Những diện tích này sau đó được hợp tác xã ký kết cho Công ty CP đầu tư và phát triển nông nghiệp Balance Life thuê lại để canh tác lúa hữu cơ.

Ngoài sản lượng gạo được nhận hàng năm, ông Tế còn được thuê làm việc ngay trên chính diện tích đất nông nghiệp đã uỷ quyền để hợp tác xã cho doanh nghiệp thuê. Vào chính vụ chăm sóc, thu hoạch, mỗi ngày công, ông Tế được trả bình quân khoảng 300.000 đồng.

Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Bị Nguyễn Viết Hùng, hiện nay đơn vị đang ký kết hợp đồng uỷ quyền cho thuê với hơn 100 hộ dân, chủ yếu ở thôn 1, thôn 2. Những diện tích này sau đó được hợp tác xã cho Công ty CP đầu tư và phát triển nông nghiệp Balance Life thuê lại để canh tác lúa, với thời hạn được xác định là 5 năm.

Hệ thống kênh mương được cải tạo phục vụ canh tác lúa hữu cơ tại xã Quảng Bị.
Hệ thống kênh mương được cải tạo phục vụ canh tác lúa hữu cơ tại xã Quảng Bị.

Vai trò trung gian của chính quyền

Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Bị Vũ Văn Mạnh, trên địa bàn xã nói chung trước đây có một số diện tích đất nông nghiệp bị bỏ không trong nhiều vụ sản xuất. Đây là sự lãng phí rất lớn về tư liệu sản xuất.

Trước tình hình đó, Đảng uỷ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề, với quyết tâm “không để tấc đất nào bị bỏ hoang”. Theo đó, địa phương tập trung thông tin, tuyên truyền, vận động bà con canh tác, hoặc giao đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng để canh tác nông nghiệp. 

 

“Chính quyền địa phương giao Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Bị là đầu mối tập trung ruộng đất không canh tác của bà con. Liên kết với doanh nghiệp có nhu cầu để tận dụng tối đa quỹ đất không sản xuất. Nhìn chung, bà con rất ủng hộ chủ trương này vì tâm niệm rằng đất nông nghiệp của mình không bị mất đi..”

Chủ tịch UBND xã Quảng Bị Vũ Văn Mạnh

Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP đầu tư và phát triển nông nghiệp Balance Life Lê Thanh Thuỷ cho biết, từ năm 2022 đến nay đơn vị đã ký hợp đồng tiếp nhận 52ha đất nông nghiệp từ Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Bị. Việc ký kết với cơ quan địa phương giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận quỹ đất sản xuất, cũng như tránh được những vấn đề mang tính pháp lý.

Trên cơ sở tư liệu sản xuất của người dân, Công ty CP đầu tư và phát triển nông nghiệp Balance Life đã đầu tư nhiều tỷ đồng để phát triển cánh đồng mẫu lớn, canh tác lúa năng suất, chất lượng cao. Trong số 52ha hiện đang canh tác, doanh nghiệp đã phát triển được cánh đồng lúa hữu cơ rộng khoảng 36ha.

“Lúa gạo được công ty sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, định hướng hữu cơ nên việc tiêu thụ sản phẩm làm ra khá thuận lợi. Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu, phát triển công đoạn sơ chế, đóng gói và xúc tiến xây dựng thương hiệu cho lúa gạo hữu cơ…” - bà Lê Thanh Thuỷ cho biết thêm.

Cùng với chi trả theo đơn giá cho thuê đất theo hợp đồng, Công ty CP đầu tư và phát triển nông nghiệp Balance Life còn hỗ trợ tạo việc làm cho một bộ phận nông dân sở hữu đất nông nghiệp cho thuê. Ngoài ra, người dân cũng sẽ được mua các sản phẩm từ công ty, trước mắt là gạo hữu cơ, với giá bằng chi phí sản xuất, thay vì giá thương mại bán ra thị trường.

Hướng đi mới cần nhân rộng

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, hiện nay dự thảo Luật Đất đai vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi; tuy nhiên, định hướng chung là sẽ phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Người nông dân không thể mãi sản xuất đơn độc mà phải đi theo chuỗi liên kết, với vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp và hợp tác xã.

Liên kết giữa chính quyền - người dân và doanh nghiệp trong tập trung ruộng đất được đánh giá là một  cách làm mới và tương đối bài bản.
Liên kết giữa chính quyền - người dân và doanh nghiệp trong tập trung ruộng đất được đánh giá là một  cách làm mới và tương đối bài bản.

“Thực tế hiện nay, một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất là tâm lý sợ mất đất của người nông dân. Điều này đã phần nào được giải quyết với cách làm mới của chính quyền xã Quảng Bị, Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Bị và Công ty CP đầu tư và phát triển nông nghiệp Balance Life…” - ông Tạ Văn Tường đánh giá.

Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trên cơ sở đánh giá thực tế mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất để canh tác lúa hữu cơ, chất lượng cao tại xã Quảng Bị, Sở sẽ chỉ đạo nghiên cứu đánh giá, tiến tới nhân rộng cách làm ra các địa phương khác. Các mô hình cũng sẽ không chỉ có lúa, mà sẽ định hướng mở rộng sản xuất các loại rau củ quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Phát triển nông nghiệp nghiên cứu cơ chế, chính sách để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với người nông dân, hợp tác xã. Bởi thực tế cho thấy, nếu không có thêm hỗ trợ nhằm khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, mục tiêu tập trung, tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá, quy mô lớn sẽ khó có thể trở thành hiện thực. 

 

“Nếu cứ sản xuất nhỏ lẻ thì người nông dân sẽ khó tồn tại trong cơ chế thị trường. Do đó, việc tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất theo hướng chuyên canh, quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật, công nghệ, tiến tới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là đòi hỏi tất yếu…” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường.