Ảnh minh họa |
Tại dự thảo quy chế, xe taxi là xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả người lái xe), có hộp đèn với chữ “TAXI” gắn cố định trên nóc xe, được cấp phù hiệu “Taxi Hà Nội”.
Xe taxi phải đáp ứng được đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành, như: Có đăng ký, đăng kiểm còn thời hạn; đáp ứng tiêu chuẩn khí thải; bảo đảm các quy định về niêm yết trên phương tiện, phòng chống cháy nổ, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, phù hiệu, hộp đèn, đồng hồ tính cước, thiết bị in hóa đơn; được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS...
Đáng chú ý, phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội là phần mềm được ứng dụng để hỗ trợ việc quản lý, kết nối và điều hành giữa hành khách, lái xe và đơn vị taxi do Hiệp hội Taxi Hà Nội xây dựng và quản lý. Trong khi đó, Trung tâm Quản lý phần mềm dùng chung taxi Hà Nội là đơn vị do Hiệp hội Taxi Hà Nội thành lập để xây dựng và quản lý phần mềm dùng chung của Taxi Hà Nội.
Về vùng phục vụ của đơn vị taxi, được xác định theo địa giới hành chính mà xe taxi của các đơn vị taxi được khai thác, gồm 2 vùng: Vùng 1 bao gồm địa giới hành chính tại các quận; vùng 2 bao gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã.
Về màu sơn, quy chế thống nhất thiết kế 5 màu cơ bản (vàng, đỏ, trắng, xanh, ghi). Từ năm 2019 đến năm 2025, xe taxi thay mới, tăng thêm sẽ áp dụng màu sơn chung. Từ năm 2026, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn TP. Các doanh nghiệp taxi được lựa chọn các màu đã quy định và đăng ký thương hiệu riêng của mình.
Đặc biệt, dự thảo quy chế quy định, đơn vị taxi phải mở tài khoản điện tử để thực hiện việc trả phí tự động cũng như việc nộp phạt khi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.