Tây Ban Nha siết chặt luật về tội phạm tình dục

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hạ viện Tây Ban Nha hồi cuối tháng 5 đã thông qua một dự luật nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng ý và biến nó thành yếu tố quyết định chính trong các vụ tấn công tình dục.

Vụ tại Pamplona khiến người dân Tây Ban Nha phẫn nộ. Ảnh: AP
Vụ tại Pamplona khiến người dân Tây Ban Nha phẫn nộ. Ảnh: AP

Theo The Guardian, dự luật về sự đồng thuận, hay còn được biết đến dưới tên gọi “Only yes mean yes”, nhằm bổ sung cho một định nghĩa không rõ ràng về sự đồng ý giữa hai bên khi quan hệ tình dục trong luật pháp Tây Ban Nha. Luật pháp quốc gia này lâu nay vẫn dựa vào các bằng chứng về bạo lực, phản kháng hoặc đe dọa để xác định đó có phải là một hành vi tấn công tình dục hay không.

Dự luật mới xác định việc hai bên đồng ý quan hệ tình dục cần phải được thể hiện rõ ràng qua lời nói. Cụ thể, nếu một người im lặng hoặc thụ động thì đó không phải là sự đồng ý. Quan hệ tình dục không được đồng thuận có thể bị coi là tấn công tình dục và phải chịu án tù lên đến 15 năm.

Dự luật mới cũng bao gồm các biện pháp khác như bắt buộc trẻ vị thành niên phạm tội tình dục phải được giáo dục giới tính, đào tạo về bình đẳng giới đồng thời tạo ra một mạng lưới các trung tâm chống khủng hoảng khẩn cấp cho các nạn nhân các vụ tấn công tình dục và người thân của họ.

Bộ trưởng Vì bình đẳng giới của Tây Ban Nha Irene Montero hoan nghênh dự luật trên. “Kể từ hôm nay, Tây Ban Nha là một quốc gia tự do hơn, an toàn hơn cho tất cả phụ nữ. Chúng ta sẽ đánh đổi bạo lực để lấy tự do, chúng ta sẽ để sự ham muốn thay thế cho sợ hãi”- Bộ trưởng Montero phhát biểu trước Quốc hội.

Dự luật dù được Hạ viện thông qua nhưng vẫn cần vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện trước khi có thể trở thành luật.

Dự luật trên là kết quả của làn sóng phẫn nộ sau vụ án hiếp dâm tập thể tại lễ hội đua bò San Fermin ở Pamplona năm 2016.

Ban đầu, năm bị can trong vụ án bị kết tội lạm dụng tình dục nhưng không phải hiếp dâm, vì nạn nhân được cho là không phản đối những gì đang xảy ra.

Theo một phân tích năm 2020 của Tổ chức Ân xá Quốc tế, bản án của vụ án trên đã làm dấy lên một làn sóng phản đối rộng rãi, kêu gọi Tây Ban Nha tham gia cùng với hàng chục quốc gia châu Âu khác trong việc định nghĩa "hiếp dâm là hành vi quan hệ tình dục mà không được sự đồng ý".