Tây Hồ gắn biển nhận diện các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/5, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức lễ gắn biển nhận diện các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn trên địa bàn quận đợt 3.

 Lãnh đạo quận Tây Hồ trao biển nhận diện cửa hàng trái cây an toàn.
Thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận TP Hà Nội”, UBND 8 phường đã phối hợp với Đội QLTT số 11 thành lập tổ công tác điều tra, khảo sát các cơ sở kinh doanh trái cây trên địa bàn các phường. Theo kết quả điều tra, khảo sát, đến nay trên địa bàn quận có 43 cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó có 15 hộ kinh doanh và 28 công ty; số cơ sở chuyên kinh doanh trái cây là 10 cơ sở, số cơ sở kinh doanh thực phẩm tổng hợp (có trái cây) là 33 cơ sở. Số cửa hàng đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP là 36/43 cơ sở.
Lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết: Đến nay quận đã kiểm tra được 3 đợt tại 6 phường. Đợt này, quận cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn đáp ứng yêu cầu của Đề án cho 16 cửa hàng tại các phường Phú Thượng, Quảng An, Yên Phụ, Nhật Tân. Trong đó gồm: Các siêu thị Vinmart + tại số 49/15 An Dương Vương, số 612 Lạc Long Quân, số 688 Lạc Long Quân, số 123 Trịnh Công Sơn, số 175 An Dương, tại số 31 ngõ 310 Nghi Tàm, số 5 ngõ 32 An Dương, 81A Xuân Diệu, số 19B Tô Ngọc Vân, số 16 ngõ 67 Tô Ngọc Vân; Công ty TNHH phân phối sành điệu - CN HN tại số 51 Xuân Diệu; MARUART Xuân Diệu tại số 170A Xuân Diệu; cửa hàng thực phẩm Song Linh tại số 01 Âu Cơ; cơ sở Đỗ Nho Tiến tại số 105 Xuân Diệu; Tân An tại số 612 Lạc Long Quân; Nhi FRUIT tại số 51 Yên Phụ.
 Gắn biển nhận diện cửa hàng trái cây an toàn tại Công ty TNHH Marumart

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết: Tính đến nay trên địa bàn quận đã có 28 cửa hàng được gắn biển nhận diện các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn trên địa bàn. Hiện nay, quận đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu đến quý 3 sẽ hoàn thành 100% các cửa hàng được gắn biển nhận diện kinh doanh trái cây an toàn mới đạt hơn 30% so với tổng số cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị các phường cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cần tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm… Ông Nguyễn Đình Khuyến cũng mong muốn các cửa hàng đã được gắn biển cần thực hiện, duy trì tốt 4 tiêu chí của Đề án. Từ đó, tạo thói quen cho người tiêu dùng, nói không với cửa hàng không đủ điều kiện và góp phần dẹp được chợ cóc, chợ tạm. 
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cũng đề nghị Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các cửa hàng, kiểm soát nguồn gốc trái cây từ các đầu mối trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận để tạo nguồn hàng đảm bảo an toàn.