Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tây Hồ trang bị kiến thức phòng ngừa tội phạm cướp có vũ khí

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 25/1, tại trụ sở UBND phường Phú Thượng, Công an quận Tây Hồ tổ chức Hội nghị phổ biến công tác Phòng, chống tội phạm tại các phòng giao dịch ngân hàng, cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý trên địa bàn quận năm 2024.

Thượng tá Phạm Quý Hải – Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ cho biết, thời gian qua trên địa bàn một số tỉnh, thành phố đã đã xảy ra các vụ án, vụ việc đối tượng tấn công, thực hiện các hành vi cướp, trộm cắp tài sản tại các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng, cơ sở kinh doanh vàng, bạc, đá quý với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, từ đơn lẻ đến tổ chức băng ổ nhóm. Việc này không chỉ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người, xâm hại đến tài sản, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.

 

Thượng tá Phạm Quý Hải – Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ phát biểu tại hội nghị.
Thượng tá Phạm Quý Hải – Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ phát biểu tại hội nghị.

Quá trình gây án các đối tượng thường che kín mặt, sử dụng các loại vũ khí nóng nhằm đe doạ, khống chế lực lượng bảo vệ, nhân viên ngân hàng, khách hàng để cướp, trộm cắp tài sản; có trường hợp khi bị phát hiện, truy đuổi các đối tượng đã chống trả rất quyết liệt gây ra thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến tình hình ANTT.

Trước tình hình đó, Công an quận Tây Hồ đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phối hợp với Phòng PC09 – Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra, hướng dẫn đối với 70 ngân hàng, phòng giao dịch và 24 cơ sở kinh doanh vàng, bạc, đá quý công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn quận Tây Hồ.

Theo Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ Thượng tá Phạm Quý Hải, qua thống kê và công tác kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng nhận thấy, phần lớn các ngân hàng có trang bị đầy đủ về hệ thống báo động. Tuy nhiên, hệ thống báo động tại chỗ và báo động bí mật không tách rời với nhau. “Trong trường hợp khi có cướp xảy ra, các đối tượng thường sử dụng vũ khí nóng, manh động, nguy hiểm để đe dọa, khống chế nhân viên, việc ấn nút báo động đến công an cùng lúc với báo động tại chỗ làm gia tăng khả năng mất kiểm soát tình hình, khiến đối tượng dễ kích động hơn và gây nguy hiểm cho những người có mặt” - Thượng tá Phạm Quý Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, các cơ sở ngân hàng trên địa bàn đang lắp đặt hệ thống báo động quay số đã lạc hậu. Có nghĩa là khi nhân viên ấn nút báo động tại quầy, hệ thống sẽ lần lượt thông báo đến 5 số điện thoại đã được cài đặt và thường 1 đến 3 số điện thoại được ưu tiên gọi trước là Giám đốc chi nhánh, Phòng an ninh của Ngân hàng và Trưởng phòng giao dịch. Số điện thoại của trực ban Công an phường, quận, 113 được cài đặt sau cùng… gây khó khăn cho quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin hiện trường của lực lượng chức năng.

TS. Đại tá Đồng Đắc Thọ - Trưởng Phòng 7 (C09 - Bộ Công an) hướng dẫn các ngân hàng, cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý... các kỹ năng phòng ngừa tội phạm.
TS. Đại tá Đồng Đắc Thọ - Trưởng Phòng 7 (C09 - Bộ Công an) hướng dẫn các ngân hàng, cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý... các kỹ năng phòng ngừa tội phạm.

Tại hội nghị, TS. Đại tá Đồng Đắc Thọ - Trưởng phòng 7  (C09 - Bộ Công an), báo cáo viên của hội nghị đã phổ biến, tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng mới trong việc thông báo, chuyển thông tin trực tiếp đến các đơn vị chức năng. Đồng thời đề nghị các ngân hàng, phòng giao dịch và các cơ sở kinh doanh vàng, bạc, đá quý khẩn trương hoàn thiện, trang bị hệ thống báo động, gia cố hệ thống các cửa và kho chứa tiền và tài sản… để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do tội phạm gây ra.