70 năm giải phóng Thủ đô

Tết đến, lại lo thực phẩm bẩn

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời điểm này, tình trạng vận chuyển thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bán cho người tiêu dùng lại nóng từng ngày. Điều đó cho thấy, nỗi lo về an toàn thực phẩm dịp Tết vẫn luôn hiện hữu ...

Càng đến gần Tết Nguyên đán, số vụ kinh doanh thực phẩm bẩn, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc tại Hà Nội cũng như trên cả nước bị phát hiện, bắt giữ càng nhiều. Điển hình, ngày 9/1, Công an Hà Nội và Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, thu giữ 1 tấn nầm lợn (được cất giấu trong 35 bao tải, bên ngoài in chữ Trung Quốc) trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối đang trên đường vận chuyển đi các chợ đầu mối, một số quán ăn trên địa bàn Hà Nội. Hay trước đó, khoảng giữa tháng 12/2022, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra chiếc xe tải đã phát hiện hơn 1,8 tấn nầm, nội tạng động vật đang trong quá trình phân hủy được tuồn về Hà Nội nhằm phục vụ các quán lẩu nướng.

Thực tế cho thấy, vào mỗi dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ nội tạng động vật cũng như thực phẩm gia tăng. Do vậy, các đối tượng thường thu mua thực phẩm từ nhiều nguồn không xác định, không có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được tuồn vào nội địa nhiều nhất qua đường bộ, đưa về các tỉnh, TP lớn để tiêu thụ. Nếu không được phát hiện kịp thời, số nội tạng động vật và các sản phẩm hàng hóa không đảm bảo ATTP có thể sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đáng nói, tình trạng này tái diễn hằng năm, song đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Theo các chuyên gia, vấn nạn thực phẩm bẩn liên tiếp bị phát hiện xử lý nhưng khó có thể dập tắt trong thời gian qua là do lợi nhuận đem lại quá lớn. Vì lợi nhuận, mà bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn đang âm thầm “tuồn” thực phẩm bẩn len lỏi vào thị trường. Cùng với đó, một trong những nguyên nhân khiến các vụ sản xuất, kinh doanh vi phạm về ATTP còn xuất phát từ thực tế nhiều nơi người dân có xu hướng lựa chọn những mặt hàng giá rẻ. Lợi dụng nhu cầu đó, các đối tượng đã vận chuyển hàng nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã và đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn, vi phạm ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng… Dù UBND TP Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra ATTP dịp Tết, song vẫn đòi hỏi lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là công tác hậu kiểm, xử phạt vi phạm để bảo đảm ATTP cho dịp Tết cũng như mùa lễ hội Xuân 2023.

Tuy nhiên, nếu chỉ mở những đợt cao điểm hoặc tập trung vào Tháng hành động vì ATTP thì chưa đủ để ngăn chặn, hạn chế tình trạng kinh doanh, buôn bán và vận chuyển thực phẩm bẩn đi tiêu thụ. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những chế tài mạnh hơn nữa trong việc xử lý nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng này, không để tái diễn, có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Thậm chí, xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn một cách triệt để.

Để đảm bảo ATTP mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cơ quan chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có chứng nhận vệ sinh ATTP, không nên ham rẻ mà mua phải những thực phẩm bẩn kém chất lượng, nguy cơ gây hại cho sức khỏe bản thân và gia đình.