Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thạc sĩ Lưu Đức Khải (Viện Quản lý Kinh tế T.Ư): Nông dân rất dễ bị… nghèo

KTĐT - Theo các báo cáo mới đây, khoảng cách giàu nghèo của nước ta đang có xu hướng gia tăng. Để làm rõ hơn vấn đề, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Lưu Đức Khải (ảnh), Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM).
Ông Khải cho biết: Kết quả điều tra hộ gia đình năm 2010 tại 12 tỉnh, thành phố mà CIEM vừa thực hiện cho thấy, tổng thu nhập trong năm của hộ gia đình thuộc các nhóm dân cư có mức chênh lệch đáng kể. Hộ thuộc nhóm nghèo nhất có thu nhập 41 triệu đồng/năm trong khi nhóm giàu có thu nhập 126 triệu đồng/năm. Giữa các tỉnh cũng đang có sự chênh lệch lớn. Chẳng hạn, tại Long An tổng thu nhập của hộ gia đình trong năm đạt 114 triệu đồng, Đắc Nông là 126 triệu đồng nhưng tại Quảng Nam chỉ đạt 42 triệu đồng, Lai Châu 46 triệu đồng/hộ.

Ngay trong sản xuất nông nghiệp, sự phân hóa giàu nghèo cũng ngày càng mạnh mẽ. Các hộ giàu thường có điều kiện đầu tư cho sản xuất lớn trong khi khả năng đầu tư của các hộ nghèo lại rất hạn chế. Khoảng cách giàu nghèo gia tăng đã gây ra nhiều vấn đề bất ổn trong xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.

- Nguyên nhân nào dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, thưa ông?

Xuất phát điểm ban đầu và tốc độ phát triển kinh tế giữa các vùng không đều nhau dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng. Cùng với đó, tốc độ tăng giá của các mặt hàng nông sản tương đối thấp, trong khi các mặt hàng tiêu dùng công nghiệp lại tăng nhanh chóng. Do đó thu nhập của người nông dân cũng thấp hơn nhiều và ngày càng giãn xa so với thu nhập của người dân thành thị. Còn giữa các vùng nông thôn với nhau, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ hội phát triển của các vùng khác nhau cũng dẫn đến mức thu nhập chênh lệch.

Người nông dân là đối tượng dễ bị nghèo đi nhất. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo như: Thiếu lao động; không có tư liệu sản xuất; không biết cách làm ăn; gặp rủi ro trong sản xuất (thiên tai, dịch bệnh), gia đình (ốm đau, bệnh tật)… Hơn nữa, phần lợi nhuận thu được từ sản xuất nông nghiệp quá ít so với khâu phân phối lưu thông. Thời gian qua, giá một số mặt hàng tiêu dùng lương thực thực phẩm tăng chóng mặt nhưng người nông dân không được hưởng lợi. 

-
Chính phủ đã có rất nhiều chính sách về giảm nghèo nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn gia tăng. Phải chăng, những chính sách đó chưa phát huy hiệu quả?

Công bằng mà nói, chính sách giảm nghèo đã và đang mang lại thành quả rất tích cực. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách của chúng ta có điểm vẫn còn hạn chế. Một chính sách khi đưa vào cuộc sống cần có bộ khung qui định, con người và chỉ số giám sát. Hiện nay chúng ta đã có bộ khung, con người rồi nhưng chỉ số giám sát chưa rõ ràng, nhất là chưa có sự tham gia giám sát của người dân.

-
Vậy theo ông, làm thế nào để thu hẹp được khoảng cách giàu nghèo?

Không thể xóa bỏ được khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, vấn đề là làm thế nào để giữ khoảng cách đó ở mức vừa phải. Để làm được điều đó, cần có chính sách hỗ trợ người nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Cách thứ nhất, giúp người nông dân thoát li khỏi nông nghiệp, tham gia vào ngành thu nhập cao, có thể là các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… Việc một bộ phận nông dân chuyển dịch sang ngành phi nông nghiệp sẽ tạo điều kiện chuyển giao lại ruộng đất cho số nông dân còn lại sản xuất qui mô lớn, hiệu quả và thu nhập cao hơn.

Thứ hai, đối với nông dân cần định hướng cho họ phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị cao. Khả năng trở lại "tái nghèo" của người nông dân là rất lớn nên cần phải có chính sách bảo hiểm để hỗ trợ họ. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng loại hình bảo hiểm nông nghiệp vì sản xuất nông nghiệp có rất nhiều rủi ro, nếu không có bảo hiểm, người dân sẽ gặp khó khăn.

-
Là một thành phố có tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, Hà Nội có gặp vấn đề lớn về chênh lệch giàu nghèo không, thưa ông?

Hà Nội có lợi thế hơn các địa phương khác là thành phố quan tâm đầu tư nhiều cho nông nghiệp, nông thôn. Cơ hội cho người nông dân tiếp cận việc làm phi nông nghiệp cũng cao hơn, thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp rộng lớn. Tuy nhiên, Hà Nội cũng gặp thách thức lớn là tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh. Với những người không có khả năng tiếp cận được với ngành nghề phi nông nghiệp, ở lại làm ruộng, nhất là các vùng núi thì thực sự khó khăn.

Hướng giảm nghèo bền vững nhất là giúp người dân tự vươn lên thoát nghèo. Do đó, Hà Nội cần giúp các địa phương, nhất là khu vực miền núi, dân tộc khai thác các thế mạnh của vùng miền để phát triển du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cung cấp nông sản an toàn cho thành phố. Từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, việc phát triển đô thị, công nghiệp cần có qui hoạch gắn với tạo việc làm cho người nông dân.

- Xin cảm ơn ông!

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, thu nhập bình quân năm 2010 của cả nước là 1.387.000 đồng/người/tháng. Trong đó nhóm nghèo nhất là 369.000 đồng/người/tháng, nhóm giàu nhất là trên 3,4 triệu đồng/người/tháng, chênh lệch 9,2 lần. Mức chênh lệch này năm 2008 là 8,9 lần và năm 2006 là 8,4 lần. Khoảng cách thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất tại Hà Nội cũng chênh lệch 8,9 lần.

 

                                

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tiếp sức để nông dân bám đất, bám làng

Tiếp sức để nông dân bám đất, bám làng

23 Apr, 05:07 AM

Kinhtedothi - Đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được dư luận đồng tình ủng hộ. Chính sách này kỳ vọng tiếp tục là nguồn tài chính hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và ngành nông nghiệp tiến gần hơn với nền nông nghiệp hiện đại.

Xuất khẩu thuỷ sản lúng túng trong “bão” thuế

Xuất khẩu thuỷ sản lúng túng trong “bão” thuế

08 Apr, 03:18 PM

Kinhtedothi- Thủy sản Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức từ thị trường Mỹ bởi những quy định bất lợi và chính sách thuế mới. Lo ngại tăng trưởng xuất khẩu, uy tín của ngành hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng là nỗi trăn trở chung của các doanh nghiệp (DN) thuỷ sản Việt Nam hiện nay.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ