Thạch Thất tạo đột phá từ cơ giới hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Thạch Thất đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Trong đó, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Hiệu quả từ việc chuyển đổi

Về xã Đại Đồng vào dịp bà con nông dân đang khẩn trương cấy kín diện tích lúa xuân. Bên những thửa mạ non vừa bén rễ là những ruộng ngô xanh mướt, sắc thắm của hoa ly mới "bén duyên" trên đồng đất này. Anh Nguyễn Hữu Cường, chủ vườn hoa ly quy mô 1ha cho biết, đây là năm thứ 4 anh trồng hoa ly. Nhờ được vay vốn ưu đãi và hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông TP, anh Cường đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới, kho lạnh phục vụ sản xuất hoa ly chất lượng cao, trung bình mỗi năm thu hoạch đạt trên 2 tỷ đồng.
Mô hình trồng hoa ly chất lượng cao của gia đình anh Nguyễn Hữu Cường.                    Ảnh: NGỌC ÁNH
Mô hình trồng hoa ly chất lượng cao của gia đình anh Nguyễn Hữu Cường. Ảnh: NGỌC ÁNH
Vài năm trở lại đây, xã Hương Ngải, nhờ thực hiện luân canh 4 vụ với mô hình khoai tây - dưa - lúa mùa sớm - bí xanh cho giá trị thu nhập trung bình 300 triệu đồng/ha/năm.

Đại diện phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, toàn huyện hiện có hơn 120 mô hình kinh tế cho giá trị thu nhập trung bình 200 triệu đồng/ha/năm. Huyện đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp giá trị cao gần 300ha, trong đó có 2ha trồng nấm, 5ha trồng hoa, 46ha rau an toàn, 35ha thanh long ruột đỏ và 200ha lúa cao sản. Ngoài ra, trên địa bàn huyện hình thành nhiều mô hình trang trại giá trị kinh tế cao như: Nuôi cá chép ở Đại Đồng, Phùng Xá; nuôi lợn rừng ở Đông Xuân, Tiến Xuân; nuôi gà thả vườn an toàn sinh học tại Hạ Bằng…

Gắn quy hoạch với cơ giới hóa

Ông Hoàng Chí Lượng - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, đối với các xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, huyện chủ trương quy hoạch theo vùng, đưa các giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời, tích cực áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác. Vụ xuân năm 2014, huyện Thạch Thất triển khai thử nghiệm mô hình mạ khay, máy cấy trên diện tích 55ha với kinh phí hỗ trợ 800 triệu đồng. Để tập trung cho mô hình, mỗi xã được cấp đủ mạ trung bình cho từ 2 - 3ha theo đúng quy trình sản xuất. "Đây là kỹ thuật mới, vừa giảm chi phí so với gieo mạ theo tập quán cũ vừa chủ động được ở mọi điều kiện thời tiết, thời vụ, cơ cấu giống" - ông Lượng đánh giá.

Cùng với việc đầu tư về công nghệ giống và các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, 3 năm qua, Thạch Thất đã đầu tư trên 4 tỷ đồng để khuyến khích, hỗ trợ các địa phương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 276 máy làm đất các loại, 2 kho lạnh bảo quản nông sản, 5 máy gặt, 156 máy tuốt lúa, 2 máy cấy, 37 máy phun thuốc bảo vệ thực vật…. Hiện tại, diện tích cấy lúa trung bình của huyện mỗi vụ khoảng 5.000ha, trong đó, 60% là lúa hàng hóa, năng suất trung bình đạt 65tạ/ha/vụ. Đối với diện tích đất đồi gò, huyện xây dựng mô hình trồng chuối tiêu hồng, trồng quế, thanh long ruột đỏ cho giá trị kinh tế trung bình đạt 350 - 400 triệu đồng/ha/năm. Huyện cũng đã chuyển đổi 150ha cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản kết hợp với trên 200 trang trại cho thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Chu Đại Thành, để nâng cao giá trị kinh tế các mô hình sản xuất, huyện đã chủ động gắn quy hoạch với áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Mặt khác, tích cực hỗ trợ nông dân bằng nhiều hình thức như: Vay vốn ưu đãi, tăng cường tập huấn, thông tin tuyên truyền và xúc tiến thương mại... Chính nhờ những hoạt động này, năm 2013, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Thạch Thất đạt 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,5%.

Với hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, Thạch Thất đang từng bước giúp người dân làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.