Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức thu hút FDI

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Trong quý I/2023, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước và 4 tháng giảm 18%. FDI vào Việt Nam sụt giảm lại một lần nữa trở thành vấn đề “nóng” được đề cập.

Giữ chân nhà đầu tư trước xu hướng dịch chuyển

Tính đến 20/4/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lũy kế từ đầu năm ước đạt 8,9 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, trong quý I/2023, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, thu hút FDI giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước.

Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ngay cả vốn FDI thực hiện (vốn giải ngân) cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, 4 tháng đạt 5,85 tỷ USD.

Về danh mục nhà đầu tư, các đối tác hàng đầu đều đến từ Đông Á như Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật Bản. Sự đóng góp của dòng vốn FDI đến từ châu Âu và Bắc Mỹ vẫn còn rất khiêm tốn.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cũng thẳng thắn chỉ rõ, thu hút FDI đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Kể từ sau dịch Covid-19, đầu tư toàn cầu bị suy giảm mạnh. Bên cạnh đó, chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao… làm giảm sút niềm tin kinh doanh và đầu tư, gây gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó tác động mạnh tới đà phục hồi FDI toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có định hướng chọn lọc các dự án FDI kỹ càng hơn, nâng cao các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải để hướng tới phát triển bền vững và tuân thủ các cam kết chống biến đổi khí hậu, cũng phần nào tác động đến dòng vốn FDI.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong các nguyên nhân sâu xa khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam suy giảm đã được chỉ ra, còn có những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, đến năng lực hấp thụ và sự chuẩn bị sẵn sàng để đón dòng vốn lớn, bao gồm cả về đất đai, nhân lực, hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ…

Ngoài ra, năm 2023 dòng vốn FDI còn chịu tác động thêm bởi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu càng khiến dòng đầu tư thêm “ngập ngừng”.

Báo cáo đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) công bố cho thấy, có tới 68,5% DN FDI cho rằng Việt Nam có những yếu tố thuận lợi so với các quốc gia khác khiến họ cân nhắc đầu tư tại đây.

Tuy nhiên, những thủ tục hành chính, chất lượng kết cấu hạ tầng, dịch vụ công vẫn là những vấn đề nổi lên, cần được khắc phục giúp Việt Nam thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Cạnh tranh mạnh trong thu hút FDI

Đã có dấu hiệu cho thấy, các tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng chính sách của Chính phủ.

Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) Hong Sun chia sẻ, thời điểm hiện tại, đơn đặt hàng ở các ngành như may mặc, túi xách, giày dép… giảm tới 50% so với những năm trước, điều này cũng dẫn tới sự khó khăn nhất định của nhà đầu tư Hàn Quốc đang đầu tư hoặc mở rộng đầu tư ở Việt Nam.

Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho chia sẻ, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ. Theo đó, chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập DN Chính phủ

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Việt Nam đang triển khai hiện nay sẽ bị mất đi hiệu quả thực tế. Vì vậy, Samsung đề xuất cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Samsung đồng tình với quan điểm nên ban hành chính sách về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu ngay trong năm nay cũng như luật hóa các chính sách cụ thể.

Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đồng thời, chính quyền địa phương cần ra quyết định định nhanh chóng hơn để thúc đẩy sự phát triển của DN nước ngoài tại Việt Nam.

Chuyên gia WB cho rằng, khi căng thẳng địa chính trị leo thang, nhiều nước lớn đưa ra chiến lược dịch chuyển sản xuất và nguồn vốn trở về bản địa hoặc sang các đối tác thân cận nhằm bảo toàn chuỗi cung ứng.

Chẳng hạn, Mỹ đưa ra chính sách giảm thuế thu nhập từ 25% về còn 21%, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt nhằm tăng tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp (năng lượng, ô tô, thép…); trong khi đó EU thiết lập nền kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát dòng đầu tư ra nước ngoài.

Cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia khu vực Đông Nam Á cũng ngày càng gay gắt.

Gần đây, Malaysia đã ban hành thuế bổ sung tối thiểu nội địa, song song với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu...

Indonesia đã ban hành một nghị định mới cho phép thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu dựa trên hệ thống quy định về các biện pháp chống thất thu thuế và thỏa thuận thuế đối với đầu tư nước ngoài. “Chúng tôi nhận thấy tác dụng cũng tương tự như thuế bổ sung tối thiểu nội địa”- chuyên gia của WB nhận xét.

Một cực đang nổi lên với mức thu hút FDI rất mạnh là Ấn Độ. Để thu hút FDI, Ấn Độ đã miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư mới trên 100 triệu USD và dành ra hơn 460.000ha đất “sạch” để thu hút các hãng sản xuất từ Trung Quốc dịch chuyển về.

Ngoài ra, Ấn Độ chọn 10 vùng trung tâm công nghiệp sản xuất tại 9 bang, với 100 khu công nghiệp nổi tiếng để giới thiệu cho 600 công ty nổi tiếng trên thế giới.

Ấn Độ có nguồn nhân lực dồi dào, đào tạo nhiều kỹ sư nhất thế giới, trong khi tiền lương thấp hơn nhiều (khoảng 60 - 70% so với Việt Nam), đây là những lợi thế rất lớn của Ấn Độ.

Bởi thế, vấn đề lúc này không chỉ là cần sớm, thậm chí cấp bách là phải giải quyết từ gốc những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế của các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh… và nhanh chóng có phản ứng chính sách đối với thuế tối thiểu toàn cầu.

Rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài

Tháng 6/2022, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030. Cuối tháng 3/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược này.

Theo đó, hàng loạt nhiệm vụ quan trọng đã được giao cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó có chuyện nghiên cứu để có phản ứng chính sách đối với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu; có việc báo cáo khả năng xây dựng luật đầu tư mạo hiểm và sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; có việc nghiên cứu cơ chế hợp tác với các tập đoàn để đào tạo lao động theo “đơn đặt hàng”... ; xây dựng các chương trình hỗ trợ thuế quan, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về DN
Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các DN nước ngoài trong một số ngành, nghề cụ thể…

Còn nhiều việc phải làm để lợi thế thu hút vốn của Việt Nam củng cố hơn trong mắt các nhà đầu tư như tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia.

Trong đó, hạ tầng mềm và hạ tầng cứng vẫn tiếp tục cần hoàn thiện. Với hạ tầng mềm, các nhà đầu tư cho rằng nhiệm vụ lúc này là phải tăng tốc gấp đôi nỗ lực củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào các khung pháp lý; với hạ tầng cứng, tiếp tục phát triển hạ tầng, củng cố công nghiệp hỗ trợ, nguồn nhân lực… để kéo giảm chi cho DN…

Chúng ta phải làm sao để những khẳng định của các tập đoàn, các tổ chức quốc tế, rằng “Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn” và là “lựa chọn hàng đầu” thực sự được hiện thực hóa bằng các cam kết hàng trăm triệu, hàng tỷ USD đầu tư.

 

Việt Nam sẽ có nhiều thách thức bởi suy thoái thương mại toàn cầu ảnh hưởng đến xuất khẩu, lạm phát gây cản trở tiêu dùng trong nước. Do đó, việc thu hút trở lại dòng vốn FDI vào thị trường có tầm quan trọng thiết yếu đối với cả tăng trưởng xuất khẩu và thị trường tiêu thụ nội địa.
Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Dịch vụ HSBC Việt Nam Joonsuk Park