Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức với tham vọng chuyển thủ đô của Indonesia

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Indonesia muốn chuyển Phủ Tổng thống đến thủ đô mới vào đầu năm 2024, nhưng việc xây dựng mới chỉ bắt đầu ở một số cơ sở hạ tầng cơ bản, và sự nhiệt tình của các nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế vẫn chưa nóng lên.

Chuyến công du của Tổng thống Joko Widodo tới Bắc Kinh chứng kiến lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập đến dự án phát triển thủ đô Nusantara. Ảnh: Phủ Tổng thống Indonesia
Chuyến công du của Tổng thống Joko Widodo tới Bắc Kinh chứng kiến lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập đến dự án phát triển thủ đô Nusantara. Ảnh: Phủ Tổng thống Indonesia

Cuối tháng 6 năm nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã tỏ ra bối rối khi đến thăm khu vực gần địa điểm xây dựng dinh tổng thống mới trong rừng rậm Borneo của Indonesia. Bên cạnh cây cối um tùm, họ chỉ nhìn thấy một tấm biển màu trắng với dòng chữ "titik nol", chỉ điểm trung tâm của thủ đô tương lai Nusantara.

Một trong những người tham gia yêu cầu giấu tên nói với Nikkei Asia: "Điều này khiến cho việc tìm kiếm ý tưởng cho khoản đầu tư trở nên khó khăn". Các nhà đầu tư đã được Bộ Đầu tư Indonesia mời trong chuyến đi và nhiều người cũng chia sẻ cảm xúc tương tự.

Trong số 466 nghìn tỷ rupiah (31 tỷ USD) chi phí xây dựng dự kiến, các kế hoạch của chính quyền Indonesia kêu gọi 80% nguồn vốn được tài trợ bởi bên ngoài, đặc biệt là từ các khu vực tư nhân và chính phủ các nước giàu. Theo Nikkei, kế hoạch đầy tham vọng này của Tổng thống Joko Widodo là chưa từng có theo tiêu chuẩn toàn cầu.

Một thực tế mới của thế giới lúc này là giá nguyên vật liệu tăng và việc thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến Nusantara càng gặp khó khăn hơn trong việc thu hút nguồn tiền mặt cần thiết để hiện thực hóa dự án.

Năm 2019, Tổng thống Widodo tuyên bố di dời thủ đô vào năm 2019 như một cách để thoát khỏi tình trạng quá tải, ô nhiễm và nguy cơ lũ lụt của Jakarta. Trong bài phát biểu trước quốc gia hôm 16/8, trước thềm lễ kỷ niệm 77 năm độc lập của đất nước, ông Widodo một lần nữa nhấn mạnh: "Việc xây dựng khu trung tâm của khu vực chính phủ thực sự được tài trợ bởi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, 80% là mời các nhà đầu tư tư nhân tham gia".

Theo ông Suharso Monoarfa, Bộ trưởng Ban Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia, tính đến ngày 16/8, Chính phủ đã lên ngân sách 23 nghìn tỷ rupiah cho Nusantara vào năm tới. Phần lớn số tiền này được chi cho các công trình công cộng, bao gồm đường có thu phí, văn phòng Tổng thống và các dinh thự khác của Chính phủ.

Gần đây, Chính phủ Indonesia cũng đã tổ chức một số cuộc họp đặc biệt với đại diện của các nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như Hon Hai Precision Industry của Đài Loan, hay còn gọi là Foxconn, và nhà sản xuất thép Posco của Hàn Quốc.

Nhưng thời gian đang ngày một trở nên gấp rút. Chính phủ muốn chuyển Phủ Tổng thống đến thủ đô mới vào đầu năm 2024, nhưng việc xây dựng mới chỉ bắt đầu ở một số cơ sở hạ tầng cơ bản, và sự nhiệt tình của các nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế vẫn chưa nóng lên.

Trước đại dịch, dự án đã thu hút được sự quan tâm của các nhân vật quốc tế lớn như cựu thủ tướng Anh Tony Blair; Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan - thái tử lúc bấy giờ của Abu Dhabi, hiện là Tổng thống UAE; tỷ phú Masayoshi Son của SoftBank. Nhưng SoftBank hồi tháng 3 năm nay đã xác nhận rằng họ sẽ không đầu tư vào dự án, và không có cam kết đầu tư lớn nào được công bố thêm kể từ đó.

Lý giải điều này, các quan chức chính phủ Nhật Bản và các chuyên gia nhận định với Nikkei rằng các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã bị bỏ quên trong một dự án lớn mà họ cho là "thiếu tầm nhìn toàn cảnh". Họ vẫn không thể bị thuyết phục bởi những hứa hẹn của ông Widodo về một thủ đô mới: "Thành phố sẽ không chỉ có các văn phòng chính phủ mà còn trở thành một động lực kinh tế mới. Nó sẽ không chỉ là một thành phố bình thường, mà nó sẽ là một thành phố rừng với nền giáo dục đẳng cấp thế giới và các dịch vụ sức khoẻ".

Một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết: "Rất khó để nhìn thấy đại cục vào lúc này. Một khi có một bức tranh rõ ràng hơn, chúng ta sẽ thấy rõ hơn những lĩnh vực hỗ trợ mà Chính phủ Nhật Bản có thể cung cấp, là động lực để không thể bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh".

Nhật Bản là nguồn đầu tư lớn của Indonesia. Đây là quốc gia đứng thứ 4 về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Indonesia trong nửa đầu năm 2022, với 1,7 tỷ USD đã rót vào quốc gia Đông Nam Á. Theo một cuộc khảo sát năm 2021 của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Indonesia vẫn là điểm đến hàng đầu của các nhà sản xuất Nhật Bản có nhu cầu mở rộng ra nước ngoài.

Quan chức của Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh, hiện tại, vẫn chưa rõ chính phủ Indonesia sẽ tiến hành dự án như thế nào sau năm 2024, khi một tổng thống mới sẽ nhậm chức. Ông Widodo, người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2014, không thể tái tranh cử vì giới hạn theo hiến pháp chỉ 2 nhiệm kỳ. Mặc dù việc di dời thủ đô đã được luật hóa, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng không có gì đảm bảo rằng dự án sẽ tiếp tục hoạt động sau năm 2024.

Bên cạnh đó còn có những lo ngại khác. Nikkei dẫn lời Nobuko Kobayashi, một đối tác của EY Japan, cũng đồng tình với quan chức Chính phủ Nhật Bản, cho biết: "Nusantara hiện vẫn là một dự án 30 tỷ USD không chắc chắn, cả về mặt kinh tế và chính trị. Lịch sử cũng cho thấy, việc tái định cư vốn có xu hướng thất bại hoặc đình trệ ở Indonesia cũng như nhiều nơi khác".

Chuyển thủ đô là một mục tiêu bất thành dưới thời Tổng thống đầu tiên của Indonesia, Sukarno, tại vị từ năm 1945-1967. Rất lâu sau đó, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, tại vị từ năm 2004-2014, cũng không thể phát triển các cuộc thảo luận về thủ đô mới sang bước hành động.

Kobayashi cho rằng, "bắt bóng lăn" mới chỉ là thử thách đầu tiên: "Ngay cả khi những nỗ lực xây dựng thành phố như vậy được thực hiện, chúng vẫn phải đối mặt với thách thức để có thể trở thành một khu đô thị phát triển, đáng mơ ước". Bà lấy ví dụ về Brasilia, thủ đô dự kiến ​​của Brazil, đã được hoàn thành vào năm 1960 và đến nay vẫn không được hoan nghênh như mong đợi.

Bất chấp những nghi ngờ của mình, bà Kobayashi cho biết Nhật Bản sẽ thu được lợi nhuận từ việc đầu tư vào Nusantara nếu thành phố này phát triển. "Các kế hoạch thành phố thông minh và phương tiện xanh sẽ tạo cơ hội cho cơ sở hạ tầng, công nghệ phần cứng và phần mềm của Nhật Bản đóng góp" - Kobayashi nói - "Mối quan hệ chặt chẽ hơn với Indonesia có thể mang lại lợi ích cho các công ty ô tô Nhật Bản khi họ chuyển sang sử dụng xe điện". Indonesia là nhà sản xuất niken hàng đầu thế giới, một nguyên liệu thô quan trọng đối với xe điện.

Tuy nhiên, trái với Nhật Bản, ít nhất 4 chính phủ nước ngoài đã cam kết tăng chi phí xây dựng cho thủ đô Nusantara, gồm UAE, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong đó, UAE dự định đầu tư 20 tỷ USD.

Hiệp hội Nhà thầu Quốc tế Hàn Quốc (ICAK), một nhóm vận động hành lang cho các nhà xây dựng tham gia vào các dự án ở nước ngoài, nói với Nikkei Asia rằng các thành viên quan tâm đến việc giành được đơn đặt hàng cho dự án Nusantara. ICAK đã tổ chức một cuộc họp vào tháng 6 để thảo luận về vấn đề này, thu hút khoảng 50 người từ các nhà xây dựng và công ty kỹ thuật lớn tham gia.

Vào tháng 7, trong chuyến công du đến Đông Á, dừng chân ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Tổng thống Widodo đã đạt được các cam kết từ Bắc Kinh và Seoul để giúp phát triển Nusantara. Tokyo có vẻ ít nhiệt tình hơn. Trong một thông báo chung được đưa ra sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã không đề cập đến dự án này.

Bắc Kinh dự định là một bên tham gia tích cực vào việc xây dựng thủ đô mới, là cơ hội để tăng cường cho Indonesia vay. Chuyến công du của ông Widodo tới Bắc Kinh cũng chứng kiến lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập đến dự án thủ đô Nusantara.

Tại Seoul, Tổng thống Widodo cho biết Indonesia và Hàn Quốc đã bắt đầu hợp tác phát triển Nusantara, bao gồm cả về hệ thống cung cấp nước uống và xây dựng một thành phố thông minh.

Nhưng một số nhà phân tích cảnh báo rằng rủi ro an ninh tiềm ẩn khi phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài cho cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia. Khairul Fahmi, đồng sáng lập Viện Nghiên cứu Chiến lược và An ninh, đã kêu gọi Indonesia "luôn cảnh giác và giám sát việc triển khai công nghệ thông tin ở thủ đô mới".

Ông nói: "Indonesia cần phải được tự do sử dụng công nghệ của Trung Quốc hoặc các nhà cung cấp phương Tây. Điều này rất quan trọng trong các cuộc đàm phán với các đối tác nước ngoài".