Hoạt động kinh doanh của tập đoàn Samsung gặp khó khăn. |
Theo đó, sau khi Tòa án Trung tâm quận Seoul chính thức tuyên bố bắt giữ ông Lee Jae-yong để điều tra những cáo buộc cho rằng, ông này hối lộ cho bà Choi Soon-sil, bạn thân Tổng thống Hàn Quốc để đổi lấy lợi ích kinh doanh. Việc ông Lee bị bắt được cho là sẽ khiến quá trình tái cơ cấu bộ máy lãnh đạo của “ông lớn” ngành điện tử Hàn Quốc gặp phải trở ngại và khiến tập đoàn này đối mặt với nhiều nguy cơ.
Giới chuyên gia nhận định, vụ việc trên sẽ khiến lãnh đạo tập đoàn Samsung phải cho ngưng các hoạt động sáp nhập và mua lại các công ty khác. Ông Lee Jae-yong là thế hệ thứ 3 trong gia đình lãnh đạo Tập đoàn Samsung.
Cha của ông là Lee Kun-hee đã về hưu sau khi lên cơn đau tim vào năm 2014. Từ khi trở thành một trong những lãnh đạo của “ông lớn” ngành điện tử Hàn Quốc, ông Lee đã tiến hành “thâu tóm” khoảng 15 công ty nước ngoài, bao gồm việc mua lại công ty âm thanh Harman với mức giá 8 tỷ USD.
Những hoạt động thâu tóm các công ty nước ngoài được cho là nhằm củng cố mô hình kinh doanh mới của tập đoàn Samsung dưới sự lãnh đạo của ông Lee Jae-yong. Một số lãnh đạo tập đoàn Samsung cho biết, việc ông Lee bị bắt sẽ khiến nhóm những người muốn Samsung hoạt động theo hình thức kinh doanh mới phải đối mặt với khó khăn. Bởi, “thái tử” Samsung được cho là người đứng đầu nhóm người này. “Có những giới hạn mà chỉ người đứng đầu mới thực hiện được, đặc biệt là trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh lĩnh vực mới. Những dự án này đòi hỏi có sự quyết định của người đứng đầu”, một quan chức cho biết.
Chỉ tính riêng năm 2016, tập đoàn Samsung đã chi tới 27 nghìn tỷ Won (khoảng 23,6 tỷ USD) cho hoạt động đầu tư, kinh doanh lĩnh vực mới.
Trong diễn biến liên quan, các đảng đối lập đã hoan nghênh việc Tòa án Trung tâm quận Seoul chính thức ra lệnh bắt giữ Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong. Đồng thời bày tỏ hy vọng, quyết định trên sẽ giúp xóa bỏ vấn nạn tham nhũng giữa các DN và chính phủ.