Thâm nhập vào chuỗi cửa hàng Nhật nhưng đồ Trung Quốc "đội lốt"?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số những cửa hàng đồng giá có DAISO của Nhật Bản, nhưng hầu hết hàng hóa tại đây đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Đánh đúng tâm lý người tiêu dùng

Dạo quanh các cửa hàng đồng giá 40.000 đồng/sản phẩm DAISO của Nhật Bản tại Vincom Nguyễn Chí Thanh, AEON MALL Long Biên và ở một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội … cho thấy hầu hết các mặt hàng tại đây là các vật dụng dùng trong sinh hoạt gia đình, từ đồ dùng trong nhà bếp, dụng cụ làm vệ sinh nhà cửa, đồ dùng trồng cây cảnh, trang trí trong nhà, trên các giá, kệ, bàn làm việc, đồ dùng học tập, làm việc, đồ dùng để chăm sóc sắc đẹp, như: Cốc chén, bát đũa, nồi chảo, các bộ dụng cụ dùng để chế biến thực phẩm tại nhà, khăn lau các loại, giá và giá thể để trồng cây cảnh, dụng cụ trồng cây trong các gia đình nơi đô thị, bít tất, khăn quàng cổ, găng tay… Các dụng cụ là bằng nhiều chất liệu như nhựa, sành sứ, thủy tinh, sắt thép, inox, …
Nhiều người mua sắm tại Daiso.
Nhiều người mua sắm tại Daiso.
Với hàng nghìn loại sản phẩm được bày bán tại đây phục vụ cho sinh hoạt thiết yếu của mỗi cá nhân, gia đình, nên các cửa hàng này luôn đón nhận lượng khá lớn người tiêu dùng Hà Nội tham quan mua sắm. Các đối tượng đến đây mua chủ yếu là phụ nữ, học sinh, sinh viên, những cặp đôi mới lập gia đình…

Một số bạn trẻ cho biết, nếu đi tìm các dụng cụ này ở ngoài thị trường hoặc siêu thị của Việt Nam thì nơi có, nơi không và không đủ bộ, phải đi tìm mất nhiều công. Nhưng mua tại đây đa dạng mặt hàng và nhiều đồ dùng thị trường bên ngoài không có. Như vậy, cửa hàng đồng giá của Nhật Bản đã đánh đúng tâm lý của người tiêu dùng đó là đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng và không thể thiếu cho mỗi cá nhân, gia đình.

Phần lớn sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc

Thâm nhập vào chuỗi cửa hàng DAISO của Nhật Bản, lúc đầu phóng viên cũng nghĩ đây đều là hàng Nhật. Vì các bao bì đóng gói sản phẩm đều mang chữ Nhật rất to. Chỉ có mặt sau của sản phẩm có tem dán chữ rất nhỏ về xuất xứ của hàng hóa, đơn vị nhập khẩu hàng hóa. Phần lớn những sản phẩm bày bán tại đây đều có xuất xứ tại Trung Quốc. 
Bao bì chữ Nhật rất to nhưng đằng sau sản phẩm là tem xuất xứ từ Trung Quốc.
Bao bì chữ Nhật rất to nhưng đằng sau sản phẩm là tem xuất xứ từ Trung Quốc.
Hội nhập, việc hợp tác cùng kinh doanh là điều tất yếu, song nếu những hàng hóa của Trung Quốc kia đóng gói đúng bao bì của hãng sản xuất chắc ít ai nhầm tưởng, nhưng nó được đóng gói bằng bao bì của Nhật Bản thì lại là chuyện khác, liệu có phải hàng Trung Quốc đang "núp bóng" doanh nghiệp Nhật để dễ bán hàng hay không?

Hơn nữa, nhiều sản phẩm cùng loại mua ở ngoài chợ hoặc siêu thị Việt có giá trị thấp hơn nhiều, nhưng bán ở đây đều là 40.000 đồng. Rất hiếm sản phẩm xuất xứ của Nhật Bản bán tại đây và với mức giá này chắc nhiều người phải giật mình, vì nó có thể mua được 5 hoặc nhiều hơn thế những sản phẩm Việt. Ví dụ như sản phẩm đũa Việt xuất khẩu bán tại các siêu thị chỉ có 60.000-70.000 đồng/chục đôi, nhưng đũa Nhật bán tại đây 40.000 đồng/đôi.
Đũa Nhật 40.000 đồng/đôi.
Đũa Nhật 40.000 đồng/đôi.
Qua đây, thông điệp gửi đến với người tiêu dùng Việt: Hãy xem kỹ những sản phẩm mình cần mua khi vào cửa hàng đồng giá 40.000 đồng của Nhật Bản xem xuất xứ ở đâu và so sánh sản phẩm đó với sản phẩm của Việt Nam về giá và chất lượng rồi hãy quyết định mua chúng. Vì quyền lợi của người tiêu dùng” mỗi người hãy tự bảo vệ quyền tiêu dùng của mình bằng cách lựa chọn hàng hóa phù hợp, không quá “sính” hàng ngoại mà quên mất giá cả và chất lượng của chúng ra sao./.