Hôm 22/1, cảnh sát chống tham nhũng của Ukraine cho biết họ đã bắt giữ Thứ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng nước này vì nghi ngờ nhận "lại quả" 400.000 USD cho việc nhập khẩu máy phát điện vào tháng 9 năm ngoái.
Cuộc điều tra cũng cáo buộc Bộ Quốc phòng Ukraine đã chi trả cao bất thường cho các bên cung cấp thực phẩm cho binh lính. Nhà cung cấp cho biết họ đã mắc lỗi kỹ thuật và không có khoản tiền "lại quả" nào được trao tay.
"Đã có các quyết định nhân sự mới... liên quan đến các quan chức ở các cấp khác nhau trong các bộ và các chính quyền trung ương khác, cũng như ở các khu vực và trong cơ quan thực thi pháp luật" - ông Zelensky nói trong bài phát biểu qua video hàng đêm hôm 23/1.
Theo Reuters, Ukraine có một lịch sử lâu dài về nạn tham nhũng và chính quyền yếu kém. Trước khi xung đột nổ ra hồi năm ngoái, chống tham nhũng đã là trọng tâm của chính quyền Zelensky, một chính trị gia mới lên nắm quyền vào năm 2019 với lời hứa sẽ làm trong sạch thể chế.
Đáng nói, vụ bê bối tham nhũng mới nhất có thể làm giảm sự nhiệt tình của phương Tây đối với Chính phủ Kiev, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang tranh cãi về việc gửi xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất tới chiến trường Ukraine.
Leopard là một trong những loại xe tăng phương Tây được sử dụng rộng rãi nhất, và Ukraine cho biết nước này cần chúng để chọc thủng phòng tuyến của Nga cũng như chiếm lại các vùng lãnh thổ trong năm nay.
Đức - quốc gia cần phải phê duyệt việc chuyển giao Leopard 2 - đã kiềm chế, cảnh giác với các động thái có thể khiến Moscow leo thang căng thẳng. Nhưng trước áp lực mạnh mẽ từ một số đồng minh, Berlin cho biết họ sẵn sàng hành động nhanh chóng nếu có sự đồng thuận giữa các nước thành viên NATO.
Trong cuộc họp báo hôm 23/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã né tránh các câu hỏi lặp đi lặp lại về sự cảnh giác của Đức đối với việc cung cấp xe tăng cho Ukraine, và liệu Mỹ có khả năng hỗ trợ các quốc gia khác cung cấp Leopard mà không có sự chấp thuận của Berlin hay không.
Nga thì cho rằng, sự chia rẽ ở châu Âu về việc có nên cung cấp xe tăng cho Kiev hay không cho thấy "sự lo lắng" ngày càng tăng trong liên minh quân sự NATO.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 23/1 cũng cảnh báo: "Tất cả các quốc gia tham gia, trực tiếp hoặc gián tiếp, vào việc bơm vũ khí vào Ukraine và nâng cao trình độ công nghệ của nước này đều phải chịu trách nhiệm về việc xung đột kéo dài".
Trên chiến trường, sau những bước tiến của Ukraine vào nửa cuối năm 2022, tiền tuyến phần lớn đã bị đóng băng trong 2 tháng qua, bất chấp tổn thất nặng nề của cả hai bên. Ukraine và Nga đều được cho là đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công mùa Xuân để phá vỡ thế bế tắc trong cuộc chiến tiêu hao ở miền Đông và Nam Ukraine, khi kỷ niệm một năm xung đột nổ ra đang đến gần.