Tham vấn ý kiến để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ
Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2023 trên cơ sở thẩm định của Bộ Xây dựng. Trên cơ sở Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội, Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt, Sở đã cùng với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội bước đầu rà soát, nghiên cứu. Ngay sau khi lựa chọn được vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Sở đã bàn giao, truyền đạt để đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu xây dựng định hướng.
“Mong muốn qua báo cáo tại hội nghị này, sẽ xác định được khung định hướng cơ bản cho quá trình nghiên cứu của đơn vị tư vấn trong thời gian tới đây để đảm bảo theo tiến độ vào cuối 2023, cơ bản hoàn thành về mặt định hướng của đồ án. Có thể nói, điểm khó khăn trong quá trình nghiên cứu lập điểu chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đó là khối lượng công việc lớn và tiến độ thời gian thực hiện rất gấp. Do đó, để đảm bảo theo đúng quy trình vào tháng 12/2023 sẽ có báo cáo định hướng cơ bản của đồ án trước HĐND thành phố, việc ý kiến góp ý cũng như sự tham góp của các thành viên tổ công tác Bộ Xây dựng là yếu tố rất quan trọng ” – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh bày tỏ.
Tổ trưởng tổ công tác Bộ xây dựng Trần Ngọc Chính cho hay, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đã nêu một nhiệm vụ rất quan trọng đó là hoàn thiện thể chế trong công tác quy hoạch đô thị, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị. Điều này cho thấy tầm quan trọng của chất lượng của công tác quy hoạch đô thị. Riêng đối với Hà Nội và TP HCM có hai quy hoạch cùng thực hiện song song trên cùng một diện tích, đó là lập Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đây là hai công việc thời gian qua được các tổ chức thực hiện hết sức quan tâm để cùng khớp nối, thống nhất về số liệu trong khi đó thời gian nghiên cứu gấp gáp.
Ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh, qua báo cáo kết quả nghiên cứu của đơn vị tư vấn, mong rằng các thành viên của tổ tư vấn có những trao đổi, thảo luận, góp ý trách nhiệm, cụ thể cho những định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.
Thông tin về tiến độ lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy (đơn vị tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô) cho hay, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô vào tháng 6/2023, Viện đã tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn và đến nay đã lựa chọn được đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng). Đây cũng là đơn vị nằm trong liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô, điều này có thuận lợi đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt giữa hai quy hoạch lớn Hà Nội đang xay dựng. Trước khi lựa chọn được đơn vị tư vấn Viện cùng với Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tổ chức nghiên cứu, rà soát, đánh giá và đã có báo cáo Thường trực, Ban thường vụ và Ban chấp hành Đảng bộ TP về những định hướng lớn cho phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới. Đồng thời báo cáo HĐND TP về những định hướng về phát triển không gian, hạ tầng kỹ thuật khung của TP.
“Những định hướng chính cơ bản của đồ án điều chỉnh là hình thành sân bay thứ hai ở phía Nam Thủ đô; hình thành hai thành phố trực thuộc Thủ đô; hình thành 5 trục không gian cảnh quan chính của Thủ đô; phát triển khu vực đô thị phía Tây Vành đai 4; rà soát lại các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái; hệ thống hạ tầng dặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông…”- ông Lưu Quang Huy cho hay.
Xây dựng đô thị Hà Nội hiện đại, thông minh, lan toả, liên kết vùng
Tại hội nghị, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô) báo cáo kết quả nghiên cứu bước đầu những định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Theo đó, triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, theo Quyết định số 1259/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, về cơ bản diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi. Khu vực đô thị trung tâm bộ mặt đô thị đã chuyển biến tích cực, cảnh quan nâng cao; hình thành một số Khu đô thị lớn, hoàn chỉnh cấu trúc tổng thể, kiến trúc không gian,chi tiết cảnh quan và dịch vụ xã hội khép kín.
Một số huyện ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư; Xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm ao,hồ... cải thiện đáng kể. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, đô thị, trật tự, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực. Xây dựng nông thôn đạt kết quả nổi bật.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của đơn vị tư vấn, trong quá trình thực hiện quy hoạch đã bộc lộ những hạn chế: Tỷ lệ đô thị hóa chưa đạt mục tiêu; quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo; mô hình phát triển chùm đô thị chưa đạt yêu cầu; công tác di dời theo định hướng quy hoạch và Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ chưa đảm bảo tiến độ; phát triển đô thị còn dải trải chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng đô thị chưa đồng bộ chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị hiện đại; công tác đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung.
Từ những hạn chế được rà soát, đơn vị tư vấn đã đề xuất những định hướng lớn trong phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn tới. Đó là xây dựng thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; Thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà.
Thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố; Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; Rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị. Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về văn hóa, lịch sử, di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch kết hợp hài hòa với phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.
Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài (Võ Nguyên Giáp); quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh…
Nhiều ý kiến tham góp cụ thể
Các thành viên trong Tổ công tác của Bộ Xây dựng đều đánh giá cao sự chuẩn bị đầy đủ về mặt tài liệu, hồ sơ cũng như định hướng nghiên cứu được nhóm tư vấn đưa ra sau 3 tháng Nhiệm vụ lập đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nhiều nội dung để Tổ công tác nghiên cứu, trao đổi.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thể hiện quan điểm nhất trí với cấu trúc đô thị gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh cùng mô hình “thành phố trong thành phố”. “Đô thị vệ tinh phải có đầy đủ cấu trúc của một đô thị để người dân an tâm sinh sống”, ông Hùng nhấn mạnh. Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện QHC 2011, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng lưu ý đến khâu tổ chức thực hiện quy hoạch với việc cân đối, bố trí nguồn lực, thời gian thực hiện hợp lý cũng như tính pháp lý cho các mô hình phát triển mới.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam TS. KTS Phan Đăng Sơn cho rằng đánh giá kết quả thực hiện QHC 2011 được các đơn vị đã nêu khá đầy đủ những bất cập, hạn chế sau nhưng nguyên nhân dẫn đến những bất cập này lại chưa được nêu rõ như nguyên nhân nào dẫn đến những hạn chế trong tổ chức không gian đô thị, giải quyết nhu cầu giao thông và xây dựng hành lang xanh hiện nay?
“Việc xây dựng sân bay thứ hai cho Hà Nội cần dứt khoát thực hiện. Hà Nội nên lựa chọn sớm, xác định chính xác, cụ thể vị trí đặt sân bay cũng như khoanh vùng khu vực xây dựng đô thị sân bay tại đồ án Quy hoạch trình lên Chính phủ duyệt trong thời gian tới”, TS. KTS Phan Đăng Sơn nhấn mạnh.
Đồng tình cao với việc hình thành sân bay thứ hai ở Thủ đô Hà Nội, KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đi kèm sân bay cần hình thành đô thị sân bay để thoả mãn hết các nhu cầu liên quan. Ngoài ra, theo chuyên gia này, Hà Nội nên xác định mô hình kinh tế công nghệ cao, kỹ thuật cao bởi các mô hình này sẽ ảnh hưởng tới công năng từng khu đô thị; hệ thống các cây cầu bắc qua sông Hồng, hạ tầng xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung…
Góp ý về mô hình đô thị dựa vào định hướng giao thông, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng đồ án Điều chỉnh QHC nên chỉ ra một số địa điểm xây dựng mô hình TOD. Liên quan đến vấn đề thoát nước, nội dung các đơn vị tư vấn nêu ra đang thiên nhiều về quy hoạch thuỷ lợi, nên tập trung vào vấn đề thoát nước mặt đô thị. Về phương án cấp nước cũng cần phải rà soát lại theo phương án phát triển không gian đang có sự thay đổi để phân được vùng cấp nước mới, tạo cơ sở cho kêu gọi được đầu tư. Phần cấp điện cần bổ sung nội dung chiếu sáng đô thị. Liên quan đến không gian ngầm, đồ án nên xác định rõ cùng cấm, vùng hạn chế xây dựng các công trình ngầm được xác định cụ thể.
Phát biểu kết luận hội nghị, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh với tinh thần tất cả vì Thủ đô, vì chất lượng đồ án Quy hoạch, các ý kiến đóng góp lần đầu của Tổ công tác đi vào những nội dung cụ thể, cần thiết cho quá trình xây dựng đồ án. Tiếp sau đây Tổ công tác sẽ thực hiện thêm 2 lần tham vấn trước khi dự thảo đồ án được hoàn thiện, báo cáo thành phố.