Tham vọng của ông chủ Bách hóa Xanh

Trang Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh doanh khá thành công ở lĩnh vực bán lẻ điện thoại và hàng công nghệ, nhưng từ tháng 10/2015, Thế giới di động bất ngờ “lấn sân” sang lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng với chuỗi siêu thị mini Bách hóa Xanh.

Tham vọng của ông chủ Bách hóa Xanh - Ảnh 1Gần 20 cửa hàng đầu tiên đang cho kết quả kinh doanh khá tốt với doanh thu tăng liên tục từ tháng 2 - 5/2016. Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế giới di động tỏ ra khá tự tin với mô hình kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu này tại Việt Nam.

Chưa có kinh nghiệm kinh doanh với hàng tiêu dùng thiết yếu, vì sao Thế giới di động quyết định "lấn sân" sang lĩnh vực vốn đã có nhiều đối thủ mạnh, thưa ông?

- Vì đây là lĩnh vực có tiềm năng lớn, các chuỗi bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm dưới 10% nhu cầu của toàn thị trường và chỉ tập trung ở các TP lớn. Bách hóa Xanh đi theo mô hình mini market hàng tiêu dùng với thời gian mở cửa dự kiến từ 6 giờ - 22 giờ. Mô hình kinh doanh này được cho là rất phù hợp với những quốc gia có mật độ dân số đông và tốc độ đô thị hóa cao như Việt Nam. Đây là mô hình được Thế giới di động học hỏi phương thức xây dựng hệ thống các cửa hàng thực phẩm từ AlfaMart, Alfamidi của tỷ phú Indonesia Djoko Susanto.

Dù mới triển khai từ tháng 10/2015, Bách hóa Xanh đã chủ trương hướng tới thị phần số 1 và lợi nhuận số 1 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Xin ông cho biết cơ sở nào để đạt được mục tiêu tham vọng này?

- Cơ sở của chúng tôi là nhắm đến 90% thị phần dân số còn lại chưa được tiếp cận với phương thức mua hàng hiện đại với dịch vụ tốt và phương châm “mua nhanh – mua rẻ”. Chúng tôi đang hoàn thiện mô hình từ cách trưng bày, sắp đặt hàng hóa tới việc lựa chọn hàng hóa nào để đưa vào siêu thị…

Theo đánh giá của ông, Bách hóa Xanh đã và đang phải cạnh tranh với những đối thủ nào? Điểm mạnh và khác biệt của Bách hóa Xanh so với các đối thủ là gì?

- Mô hình của Bách hóa Xanh cạnh tranh với chợ truyền thống, điểm khác biệt nằm ở phương châm của chuỗi đó là “mua nhanh – mua rẻ”. Người tiêu dùng có thể đến đây để tìm kiếm thứ thiết yếu và thứ mình cần một cách nhanh chóng và dễ dàng. Vị trí của Bách hóa Xanh ở những hẻm đông đúc dân cư, không phải ở những trục đường lớn hay vị trí trung tâm.

Hiện, thị trường bán lẻ trong nước đã có thêm khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài với kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh. Không ít chuyên gia lo ngại về khả năng các chuỗi siêu thị Việt bị thâu tóm?

- Quan điểm của chúng tôi là bị thâu tóm cũng không hẳn là việc không tốt nếu việc bán lại tốt hơn cho DN đó. Với bán lẻ, điều quan trọng nhất là khách hàng chứ không phải việc giữ lại hay bán đi. Nếu một đơn vị nào đó có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng thì họ sẽ tồn tại.

Hiện tại, các sản phẩm “Made in Việt Nam” chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ cấu hàng hóa của Bách hóa Xanh? Bách hóa Xanh có ưu tiên lựa chọn các nhà cung cấp Việt Nam cho chuỗi siêu thị mini của mình?

- Chúng tôi sẽ có những lựa chọn dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng. Nghĩa là khách hàng mới là người quyết định hàng hóa nào ở lại, hàng hóa nào phải ra đi.

Xin cảm ơn ông!
Chia sẻ tại Hội thảo Nhà đầu tư của Thế giới di động hồi đầu tháng 6/2016, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT Thế giới di động cho hay, với định hướng “mua nhanh - mua rẻ”, người tiêu dùng chỉ mất khoảng 10 - 15 phút để mua sắm hàng hóa tại chuỗi Bách hóa Xanh thay vì mất vài tiếng để đi siêu thị như trước. Bên cạnh đó, giá bán các mặt hàng tại đây cũng rẻ hơn hoặc bằng so với các siêu thị khác. Mặc dù chỉ ở giai đoạn mở bán thử nghiệm, doanh thu trung bình của mỗi cửa hàng đã lên tới 400 triệu đồng/tháng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần