Thursday, 09:39 23/07/2015
Tham vọng củng cố quyền lực mềm
Kinhtedothi - Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 21/7 đã đánh dấu bước đi những nỗ lực mới nhất trong việc đối trọng lại với các định chế tài chính lớn của phương Tây của Khối các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Quyền lực mềm của công cụ tài chính
Đại diện cho 40% dân số toàn cầu, BRICS đã ký thỏa thuận thành lập NDB và Quỹ dự phòng chung (CRA) với tổng số vốn 200 tỷ USD. “Cặp đôi” này cùng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được các nhà quan sát nhìn nhận như là đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Trước hết, về lý thuyết việc thành lập NDB và quỹ dự trữ khẩn cấp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên nhóm BRICS và các quốc gia đang phát triển. Đối với nhóm BRICS, họ sẽ tránh được những rủi ro từ nền kinh tế quốc tế cũng như hạn chế ảnh hưởng từ Mỹ. Bên cạnh đó, nhóm này cũng sẽ có được tiếng nói chính trị mà họ không đạt được trong IMF và WB.
Đằng sau đó, là cơ hội để hai đầu tàu của BRICS là Nga và Trung Quốc thực hiện những tham vọng tài chính riêng. Tạp chí Forbes từng bình luận, AIIB là cách Trung Quốc thể hiện "quyền lực mềm" mà trước đây Mỹ đã làm rất tốt với các thể chế tài chính toàn cầu như WB và IMF. Quyền lực mềm đó giờ có tiềm năng được củng cố nhờ sự xuất hiện của NDB, với gần 40% vốn góp từ Bắc Kinh. Thay vì phát triển mạnh tại châu Á như AIIB, NDB sẽ chủ yếu đảm bảo quyền lợi của các nước trong khối này cũng như phát triển hoạt động cấp vốn rộng rãi sang các khu vực châu Phi và Mỹ Latinh. Bên cạnh đó, NDB cũng là cơ hội để Nga và Trung Quốc cùng củng cố sức mạnh đồng nội tệ trên: đối với Nga là vực dậy đồng ruble sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 2014, đối với Trung Quốc là quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, thông qua đó giảm bớt phụ thuộc vào đồng bạc xanh của Mỹ, mở rộng sức ảnh hưởng trên thị trường tài chính quốc tế.
Giải pháp hay vấn đề?
Nếu so sánh về quy mô, số vốn ban đầu 50 tỷ của NDB chỉ như “muối bỏ biển” so với những định chế tài chính khác, chiếm chưa đến 25% vốn ban đầu của WB. Số vốn 100 tỷ USD của CRA cũng nhỏ hơn rất nhiều so với con số 800 tỷ USD của IMF.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, sự chi phối của NDB trong bàn cờ chính trị - tài chính toàn cầu phần nhiều chỉ mang tính biểu tượng vì BRICS còn phân tán để phát huy vai trò thay vì hoạt động như một khối thống nhất thực sự. Tiềm lực của các nền kinh tế trong BRICS hiện khá chênh lệch và không có nhiều điểm chung.
Trong bối cảnh sức mạnh về kinh tế tiếp tục là thước đo cho vị thế, vai trò của quốc gia trên bản đồ thế giới, thành lập NDB là một trong những bước đi quả quyết của 5 nền kinh tế mới nổi nhằm củng cố vị thế trong hệ thống tài chính quốc tế, cũng như theo đuổi những tham vọng riêng. Song, việc NDB trở thành “quyết định lịch sử” hay “canh bạc rủi ro” hoàn toàn phụ thuộc vào hành động cụ thể của chính các nước thành viên trong khối BRICS.
![]() Các nhà lãnh đạo BRICS trong buổi lễ đánh dấu sự hoạt động chính thức của NDB.
|