Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tham vọng lớn, thực lực nhỏ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở hội nghị cấp cao vừa qua tổ chức tại Nhật Bản, các thành viên của Nhóm G7 đã thể hiện sự đồng thuận quan điểm sâu rộng trong tất cả các vấn đề được đưa ra trong chương trình nghị sự.

Những nội dung trong bản Tuyên bố chung cho thấy các thành viên này đều muốn gì được nấy ở hội nghị, trước hết và đặc biệt là Nhật Bản. Chúng cũng còn ẩn chứa tham vọng lớn của G7 trở thành khuôn khổ diễn đàn đa phương duy nhất và có đủ khả năng nhất để giải quyết tất cả mọi vấn đề của thế giới hiện đại. Không phải nhóm G20 hay BRICS, cũng chẳng phải Liên Hợp quốc hay bất cứ khuôn khổ diễn đàn đa phương nào khác mà phải là G7 và chỉ có G7 mới tìm ra được giải pháp cho các vấn đề đang đặt ra cho nhân loại trong thế giới hiện đại. Cho nên G7 bàn về chiến tranh và hòa bình, về chính trị và kinh tế, về thương mại và xã hội, về an ninh và ổn định, về cường quyền hay luật pháp quốc tế trong quan hệ giữa các quốc gia, về Nga và Trung Quốc vốn đã trở thành đối tác khó khăn và đối thủ cứng đầu đối với G7. Cho nên G7 bàn về những vấn đề bao trùm khắp thế giới như khủng bố và bảo vệ khí hậu trái đất, an ninh mạng và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Khi xưa, G7 đã từng theo đuổi tham vọng lớn như thế. Bây giờ, tham vọng ấy dường như còn thôi thúc G7 hơn cả khi trước.

Chẳng có gì là xấu xa hay đáng trách khi G7 theo đuổi tham vọng lớn ấy. Nhưng câu hỏi không thể không đặt ra là G7 theo đuổi tham vọng lớn để làm gì, trong khi không có đủ thực lực để thực thi tham vọng. Hiện tại, thành viên nào của G7 cũng gặp không ít khó khăn ở trong nước cả về kinh tế lẫn xã hội. Ở bên ngoài, G7 lại bị thách thức không hề nhỏ bởi nhiều khuôn khổ diễn đàn khác. Xưa nay, G7 vốn vẫn nói nhiều làm ít, nói hay làm dở và hội nghị cấp cao thường niên nào cũng chỉ như đến hẹn lại lên. Bản sắc cố hữu của G7 đã là như thế và nếu không khắc phục được chỉ những điều ấy thôi thì tính khả thi của tham vọng lớn vẫn chỉ rất hạn chế đối với G7.