Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thuốc&Dinh dưỡng]

Thang thuốc đại bổ ngâm rượu

BS Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thập toàn đại bổ là sự kết hợp hoàn hảo giữa các vị thuốc để cho điều trị hiệu quả cao.

Bài thuốc này là sự kết hợp giữa bài Bát trân thang, thêm hoàng kỳ để bổ khí và nhục quế làm ấm kinh lạc. Trong bài Bát trân lại chứa đựng hai bài thuốc kinh điển là Tứ vật và Tứ quân. Bài thuốc Thập toàn đại bổ gồm: Đương quy 12g, xuyên khung 12g, thục địa 20g, bạch thược 12g, đảng sâm 12g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo 10g, hoàng kỳ 10g, nhục quế 6g. Trong thực tế, chúng tôi gia nhân sâm, sa sâm, ngưu tất, đỗ trọng, tục đoạn và kỷ tử, mỗi vị từ 12 -16g, cùng 10 - 20 quả đại táo. Tất cả ngâm trong 10 lít rượu từ 30 - 40 độ.
Bài Bát trân chủ yếu để bồi bổ khí huyết, có tác dụng rất tốt trong việc phòng chống thiếu máu và điều trị các bệnh sản phụ khoa, dùng cho trường hợp rối loạn kinh nguyệt. Trong các trường hợp vô sinh nữ, nhiều người do khí huyết đều hư, sức khỏe suy yếu kinh nguyệt rối loạn… dẫn đến khó có con, những trường hợp này dùng bài Bát trân. Khi thêm 2 vị hoàng kỳ và nhục quế để từ Bát trân thành Thập toàn đại bổ, bài thuốc lại có công dụng như đã nói ở trên, ngoài việc tăng cường miễn dịch, bồi bổ khí huyết, bổ thận - sinh tinh. Như vậy, bài thuốc chủ yếu dùng cho nam giới chứ không giống như bài Bát trân chủ yếu cho nữ giới.
Bài Bát trân có hai là Tứ vật (bổ huyết) gồm: Đương quy, thục địa, bạch thược, xuyên khung; và bài Tứ quân (bổ khí) gồm: nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo (chích). Hai bài thuốc này có tác dụng “song bổ khí huyết”. Bài thuốc Tứ vật vừa bổ huyết, vừa hoạt huyết (người xưa còn nói bài thuốc này là bài thuốc chuyên để điều huyết “Điều huyết chi chuyên tễ”), được Danh y Chu Đan Khê trọng dụng. Thục địa là quân dược trong bài thuốc Tứ vật, là vị thuốc được chế từ tiên địa hoàng (rễ tươi của cây địa hoàng), qua cửu chưng cửu sái (chín lần chưng, chín lần phơi) mà thành; có tác dụng tư bổ Can âm, ích Thận tinh, dưỡng Tâm huyết. Đương quy có vị ngọt, cay, tính ôn, quy vào ba kinh âm. Bạch thược vị đắng, chua, hơi hàn, quy kinh Can, Tỳ, có tác dụng dưỡng huyết, liễm âm, hòa Can chỉ thống. Bạch thược chế với rượu và sao vàng với cám sẽ khử được tính hàn, tăng tác dụng bổ Can, Tỳ. Xuyên khung có vị cay, tính ôn, quy kinh Can, Đởm; có khả năng tán kết, là thuốc “trị huyết trong khí”. Sách Bản thảo hội ngôn có ghi: “Vị xuyên khung, thượng hành đầu mục, hạ điều kinh thủy, trung khai uất kết, huyết trung khí dược”, nên dùng cho bệnh khí huyết đều tốt.
Bài thuốc Tứ quân (bổ khí) chủ yếu để bổ khí hoặc kiện tỳ, ích khí. Trong đó, nhân sâm bổ khí, bổ chân khí (nguyên khí), bổ 5 tạng có tính cam ôn nên còn kiện tỳ dưỡng vị là Quân; bạch truật khổ ôn để kiện tỳ vận thấp (hóa thấp) phối hợp với nhau để bổ khí kiện tỳ là Thần; Phục linh cam đạm để thẩm thấp kiện Tỳ giúp bạch truật tăng tác dụng hóa thấp là Tá; cam thảo chích tính cam ôn cũng là bổ khí hòa trung đưa thuốc vào Tỳ làm chức năng điều hòa các vị thuốc giúp nhân sâm ích khí và hòa trung là Sứ. Bài thuốc này bổ khí kiện tỳ mà không gây thấp trệ tăng lên, cơ thể khỏe hơn. Bốn vị này có tính hòa hoãn, dễ uống, đều làm ăn ngon, bổ khí.
Như đã nói, hài bài Tứ vật và tứ quân kết hợp 2 vị thuốc: hoàng kỳ và nhục quế để thành bài Thập toàn đại bổ. Hoàng kỳ bổ khí thăng dương, có tác dụng chính trong việc bổ dưỡng cho những người yếu ớt, người ốm đau liên miên, thiếu dương, người ăn nói yếu ớt. Nhục quế: vị cay, ngọt và tính nóng; quy kinh: Thận, Tỳ, Tâm và Can; công dụng: trừ lạnh và giảm đau, làm ấm kinh lạc và tăng lưu thông. Thêm vị nhân sâm đại bổ nguyên khí; sa sâm thanh phế bổ phế...
Bài thuốc Thập toàn đại bổ có gia một số vị thuốc nói trên dùng điều trị xuất tinh sớm, yếu sinh lý, rối loạn cương dương; loại bỏ các triệu chứng đau lưng, nhức mỏi, mộng tinh, tiểu buốt, tiểu đêm. Bài thuốc này có thể dùng ngâm rượu ống dùng trong dịp Tết; nếu để chữa bệnh cần theo hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.