Thành công nhờ bám sát thị trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua hơn 10 năm chuyển thành doanh nghiệp (DN) hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), Công ty TNHH MTV Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) đã thành công trong việc chuyển đổi nghiên cứu từ cơ khí thuần túy sang cơ điện tử và đã chế tạo thành công nhiều sản phẩm CN mới bám sát nhu cầu thị trường, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại.

Tiền thân là Phân viện Nghiên cứu thiết kế máy công cụ thành lập năm 1973, năm 2002, IMI được chuyển đổi thành DN KH&CN thí điểm hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Và không lâu sau, 51 sản phẩm cơ khí mới của IMI thuộc Cụm công trình "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cụm sản phẩm cơ điện tử trong công nghiệp" đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao quý nhất về KH&CN năm 2005.
Công ty TNHH MTV Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp tham gia Hội chợ Quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam.
Công ty TNHH MTV Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp tham gia Hội chợ Quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam.
IMI cũng là tổ chức tiên phong ở Việt Nam trong việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN sang hoạt động theo cơ chế DN. Ngoài khó khăn chung của ngành cơ khí, IMI còn có thêm hạn chế của một viện nghiên cứu KH là thiếu vốn đầu tư, thiếu tư liệu sản xuất và không được phép sản xuất, kinh doanh. Để khắc phục, lãnh đạo Viện đã chỉ đạo gắn nghiên cứu KH với nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế, gắn tự nghiên cứu KH với tiếp thu CN tiên tiến của thế giới thông qua hợp tác quốc tế. Đặc biệt, IMI luôn đa dạng hóa các giải pháp huy động vốn để đưa nhanh sản phẩm nghiên cứu vào sản xuất, gắn quyền lợi của cán bộ KH và cán bộ, công nhân viên một cách lâu dài với sự phát triển của DN và thành quả lao động của mình; linh hoạt hỗ trợ các nhà KH góp cổ phần tại các công ty thành viên (100% cán bộ của IMI là cổ đông tại các công ty thành viên). Xuất phát từ nhu cầu chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, IMI thành lập mới hoặc tiếp nhận thành viên mới thông qua góp vốn bằng bí quyết CN, giá trị thương hiệu, tài sản và một phần tiền vốn. Phương thức linh hoạt này đã tạo điều kiện cho DN dù có vốn góp nhỏ nhưng vẫn chi phối được các công ty thành viên, nhất là về KH&CN.

Trong hơn 10 năm chuyển đổi thành DN, IMI duy trì phát triển được 9 trung tâm nghiên cứu KH, chuyển giao CN, đào tạo trong lĩnh vực cơ điện tử, làm chủ được nhiều CN mới. Từ năm 2006 đến nay, IMI đã được giao chủ trì và hoàn thành 14 đề tài KHCN cấp Nhà nước, 72 đề tài cấp bộ và hàng trăm nhiệm vụ KHCN cấp viện, với tổng giá trị thực hiện gần 40 tỷ đồng. IMI cũng được chứng nhận 10 giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp sản phẩm cơ điện tử, phần mềm ứng dụng; góp phần thiết kế chế tạo thành công trên 100 sản phẩm mới, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất. Những hoạt động này mỗi năm mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng, nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng, tiết kiệm hơn 10 triệu USD từ thay thế hàng ngoại...

Từ tháng 1/2014, IMI chính thức trở thành DN KH&CN loại hình công ty CP, theo Giấy chứng nhận do Sở KH&ĐT Hà Nội cấp. Hiện, Viện đang hoàn tất công tác chuyển đổi để ổn định hoạt động, tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Minh - Tổng Giám đốc IMI mong muốn UBND TP và Sở KH&CN Hà Nội sớm tháo gỡ 2 khó khăn lớn nhất hiện nay của đơn vị là vướng mắc về thủ tục đăng ký chứng nhận DN KH&CN và vướng mắc về đất đai. 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần