Thánh Gióng hiện thực hóa khát vọng Make in Vietnam

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiền thân là nhà phân phối máy tính của các hãng trên thế giới, sau 5 năm Công ty CP Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng (Công ty Thánh Gióng) táo bạo quyết định chuyển sang sản xuất, lắp ráp máy tính nguyên bộ với 55% linh kiện sản xuất trong nước.

Để hiện thực hóa khát vọng Make in Vietnam, Thánh Gióng đầu tư nhà máy dây chuyền sản xuất theo quy mô công nghiệp và phòng thí nghiệm hiện đại, góp phần nâng tầm cho ngành điện tử.

Tìm cơ hội giao thương

Chúng tôi gặp và trò chuyện cùng doanh nhân Lại Hoàng Dương - Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng trong không gian Vietnam Expo 2023. Theo ông Dương, tại không gian triển lãm, hai bên là dãy là sản phẩm nước ngoài và sản phẩm của các DN Việt Nam, các sản phẩm của DN Hà Nội ở chính giữa được thiết kế tôn vinh sản phẩm Việt, tri thức Việt.

Ông Lại Hoàng Dương nhận vinh danh cho doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên
Ông Lại Hoàng Dương nhận vinh danh cho doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên

Vietnam Expo 2023 là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, có quy mô lớn, cánh tay nối dài ra thị trường quốc tế, mang lại nhiều giá trị kinh tế cũng như những cơ hội thiết thực giúp DN Việt Nam tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có Thánh Gióng.

Do đó, Thánh Gióng mang tới nhiều sản phẩm phù hợp cho các DN, với chi phí hợp lí. Đơn cử, bộ máy tính Thánh Gióng, giá chỉ từ 6.800.000 đồng, giao nhận tận nơi, bảo hành điện tử 24 tháng.

Nhìn lại quá trình gần 20 năm hình thành và phát triển, vị doanh nhân này tâm sự, trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19, thị trường máy tính sôi động hơn do nhu cầu học, làm việc online tăng cao.

Trước đây, cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0” đã quen thuộc, nhưng thực tế vẫn chưa được quan tâm nhiều. Dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả. Đây là nguyên nhân khiến các sản phẩm điện tử như máy tính bảng, laptop, máy tính bàn đều có tăng trưởng dù đại dịch.

Tuy nhiên, các DN máy tính lại gặp vấn đề khan hiếm nguồn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn đến việc tăng giá thành sản phẩm trong khi mức chi tiêu của người tiêu dùng lại giảm sút...

Bắt tay để thực hiện giấc mơ
Kể từ khi thành lập, Thánh Gióng đã bắt tay với Tập đoàn C.P.R (Nhật Bản) để hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất máy tính tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Ngoài ra, DN cũng liên kết với một tập đoàn máy tính của Singapore để đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất máy tính xách tay.

Với bao tâm huyết và nỗ lực, DN đã tạo ra dòng máy tính đồng bộ và độ ổn định cao, hoạt động được trong điều kiện điện áp không ổn định, độ ẩm môi trường cao, thay đổi nhiệt độ lớn tới 40oC…

Sau khi vượt qua giai đoạn kiểm tra, các kỹ sư của DN sẽ chạy test trong vòng 24 giờ trước khi xuất xưởng, nếu không đạt sẽ bị loại bỏ. Điều khó nhất với DN sản xuất máy tính là phải đảm bảo được tính bảo mật cao, tránh cho khách hàng không bị đánh cắp dữ liệu trong quá trình sử dụng.

Do vậy, Thánh Gióng chú trọng cải tiến công nghệ, đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển) để tích hợp phần mềm bảo mật chống đánh cắp dữ liệu hiệu quả và các nguy cơ về mã độc.

“Giá trị đầu tư cho bộ phận R&D chiếm 10% lợi nhuận của DN. Hiện Thánh Gióng đã nội địa hóa được sản phẩm 55%. Tương lai, DN tiếp tục lên kế hoạch có thể tối đa hóa tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm” - doanh nhân thông tin.

Đến nay, Thánh Gióng đã cung cấp các giải pháp về công nghệ như hỗ trợ phần mềm, thiết kế sáng tạo các sản phẩm giá thành hợp lý, nhưng vẫn đáp ứng đủ công năng.

Thánh Gióng cũng tham gia nhiều hội, hiệp hội để tận dụng cơ hội giao thương, kết nối, quan tâm đến các chủ trương, chính sách để thụ hưởng.

Với Đề án 4889 của TP Hà Nội, Thánh Gióng được tham dự lớp hỗ trợ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Qua đó, DN xây dựng Chiến lược “Đưa máy tính từ gầm bàn lên mặt bàn”. Mục tiêu là đưa CPU lên mặt bàn dưới dạng mini, giúp tiết kiệm năng lượng và diện tích, nhưng vẫn đáp ứng hiệu suất.

Sau khoảng một năm rưỡi tìm tòi và thiết kế, DN đã chính thức giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường với nhiều tiện ích.

Doanh nhân Lại Hoàng Dương khẳng định, Thánh Gióng cũng đặt mục tiêu trở thành một DN khoa học công nghệ; cố gắng có 1 - 2 bằng sáng chế hữu ích mỗi năm; 15 - 20% doanh thu có được nhờ áp dụng bằng sáng chế vào sản phẩm; 20% doanh thu từ sản phẩm dạng công nghiệp kiểu mới. Đó là những mục tiêu mà DN cần phải chinh phục trên con đường trở thành DN Make in Vietnam.

“Đặc biệt, DN còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng như “Sóng và Máy tính cho em”, tặng quà các em nhỏ vùng sâu, vùng xa… nhằm xây dựng một thương hiệu máy tính Make in Vietnam và vì người Việt Nam” - vị này nhấn mạnh.

 

Năm 2022, Thánh Gióng vinh dự đạt danh hiệu Top 3 DN có sản phẩm, dịch vụ được tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” TP Hà Nội. Gần 20 năm có mặt trên thị trường Việt Nam, Thánh Gióng đạt Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015; hãng máy tính có tiêu chuẩn hệ thống quản lý bảo mật thông tin ISO 27001:2013; đạt được Quy chuẩn Việt Nam QCVN 118:2018...

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần