Tràn lan nội dung phản cảm, độc hại
Mặc dù mới chỉ thực sự phổ biến ở Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây nhưng tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đang đứng thứ 6 trong top các quốc gia có lượng người sử dụng TikTok nhiều nhất trên thế giới. Ước tính con số này vào khoảng xấp xỉ 50 triệu người. Điều đó cũng lý giải tại sao rất dễ bắt gặp người dùng lướt TikTok mọi lúc, mọi nơi dù là trẻ em, thanh niên, thậm chí là cả người già.
Không chỉ là nền tảng phân phối nội dung, TikTok còn là nơi để người tham gia có thể kiếm tiền. Trên mặt bằng chung, một tài khoản có từ 500.000 - 1 triệu lượt theo dõi có khả năng cao sẽ nhận được quảng cáo thông qua video của mình với giá từ 7 - 10 triệu đồng. Tuy nhiên, nội dung tốt, sạch thì rất khó để tăng lượng người theo dõi vì thế nội dung “bẩn” lại là lựa chọn rất phổ biến nếu không muốn nói là tràn lan trên TikTok.
Khi lướt TikTok, ở bất cứ độ tuổi nào, thậm chí là với cả tài khoản của trẻ dưới 13 tuổi, người dùng rất dễ dàng ở cả chủ động lẫn bị động tiếp nhận các nội dung “bẩn”. Có thể kể đến như các màn khoe da thịt, ăn mặc phản cảm, khiêu dâm, chia rẽ vùng miền, nói tục chửi bậy hoặc thậm chí là cả xuyên tạc chính trị và chống phá Nhà nước. Với thuật toán đặc biệt, chủ yếu tập trung vào giữ chân người dùng nên dù các tài khoản có nội dung “bẩn” bị chặn thì các video tương tự cũng sẽ liên tục xuất hiện nhằm lôi kéo người xem.
Không chỉ vậy, TikTok còn đang là “thiên đường” cho hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc... tại Việt Nam. Thông qua TikTok Shop, người dùng rất dễ để mua được những món đồ của các thương hiệu nổi tiếng với giá chỉ bằng 1/5 thậm chí là 1/10 so với mua ngoài cửa hàng thông thường. Tuy nhiên, sau khi mua về, người dùng sẽ nhanh chóng phát hiện đây là sản phẩm giả với chất lượng kém xa hàng chính hãng.
Chính từ sự mập mờ này, không khó để nhìn ra sự bất thường của các sản phẩm được bán trên nền tảng TikTok.
Không chỉ TikTok, tại buổi họp báo định kỳ của Bộ TT&TT mới đây, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do cho biết, cả Facebook và YouTube cũng đều có những hành vi vi phạm trong việc vận hành tính năng chia sẻ video ngắn Facebook Reels và YouTube Shorts.
Với Facebook Reels, các sai phạm phổ biến được cơ quan chức năng chỉ ra là sự xuất hiện của tin giả, thông tin xuyên tạc liên quan đến nội dung chính trị trên nền tảng. Trên Facebook Reels cũng đang tồn tại nhiều hình ảnh dung tục, phản cảm; nhiều quảng cáo game cờ bạc, các ứng dụng mại dâm, thuốc không rõ nguồn gốc cũng được ghi nhận. Tương tự, YouTube Shorts cũng có vi phạm trong việc quảng cáo hàng giả, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, đặt quảng cáo vào nội dung vi phạm.
Tìm hướng xử lý triệt để
Theo số liệu từ TikTok, chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 20222, nền tảng này đã xóa 1,7 triệu video tại Việt Nam. Tính rộng ra trong nửa đầu 2022, TikTok nhận được yêu cầu xử lý 292 video từ Chính phủ, trong đó xóa 197 video, chiếm 67,5% số yêu cầu. Nói về các nội dung “bẩn” đang xuất hiện tràn lan trên TikTok, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do cho biết, chính từ sự quản lý lỏng lẻo về mặt nội dung đã khiến nền tảng này là nơi tụ hội của tin giả, tin sai sự thật cũng như phản cảm. Với việc sử dụng các thuật toán mang tính chất “gây nghiện”, TikTok đã tạo nên các trào lưu nguy hiểm có tác động tiêu cực tới người dùng Việt Nam.
Hiện TikTok đang có 6 sai phạm lớn tại Việt Nam. Cụ thể gồm: Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em; Sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ; Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái;
Không quản lý hoạt động của các idol (người có nhiều lượt theo dõi) TikTok, nhiều idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này; Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt là các nội dung trích từ phim; Không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác.
Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết thêm, cơ quan quản lý Nhà nước đang gặp khó khăn khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật để rà quét nội dung xấu, độc khó áp dụng trên nền tảng video như TikTok. Bởi nền tảng này có thuật toán được coi như một cách "lách" công cụ rà quét, khiến công tác xử lý lâu hơn. Với lượng thông tin khổng lồ sản sinh mỗi ngày trên các nền tảng như TikTok, nếu họ không hợp tác chủ động chặn lọc triệt để bằng các thuật toán thì những việc chặn gỡ nội dung vi phạm sẽ kém hiệu quả.
"Sau đợt thanh tra nói trên, Bộ TT&TT sẽ đồng loạt triển khai nhiều biện pháp mạnh để xử lý những vi phạm của TikTok, bao gồm các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông... nhằm yêu cầu nền tảng này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nếu không tuân thủ pháp luật nước sở tại, nền tảng xuyên biên giới này sẽ không được chào đón, tạo điều kiện tại Việt Nam" - ông Lê Quang Tự Do nói.