Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh Oai vượt khó, đổi mới toàn diện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát huy truyền thống anh hùng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Oai luôn đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Lễ khánh thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Dân Hòa, huyện Thanh Oai.
Lễ khánh thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Dân Hòa, huyện Thanh Oai.
Huyện đã tập trung chỉ đạo khai thác mọi tiềm năng lợi thế, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Kinh tế phát triển bền vững
Chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Thanh Oai đã khánh thành và gắn biển cho 2 công trình tiêu biểu của huyện:
1. Phòng khám Đa khoa khu vực Dân Hòa: Được khởi công xây dựng từ tháng 6/2013 với tổng mức đầu tư 17,7 tỷ đồng. Công trình có quy mô 3 tầng trên diện tích 1.556m2 và các hạng mục nhà xe, nhà bảo vệ, sân cổng, tường bao. Công trình hoàn thiện nhằm nâng cao hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, đáp ứng theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2020. Đồng thời, nâng cao việc chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân khu vực 6 xã phía Nam huyện, gồm: Dân Hòa, Tân Ước, Liên Châu, Cao Dương, Xuân Dương, Hồng Dương với khoảng 60.000 người.
2. Cầu Mỹ Hưng bắc qua sông Nhuệ: Được thiết kế xây dựng với bề rộng 7,5m mặt cầu, phần xe chạy 6,5m; chiều dài 58,2m với 3 nhịp bê tông cốt thép. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 68,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, trong đó chi phí xây dựng trên 41 tỷ đồng. Công trình được đưa vào sử dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại, đồng thời kết nối vùng kinh tế các xã phía Bắc huyện Thanh Oai với huyện Thanh Trì và trung tâm TP Hà Nội.

Trong 5 năm qua (2010 – 2015), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Oai đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức để phát triển kinh tế, duy trì mức tăng trưởng khá. Giai đoạn 2010 – 2015, tổng giá trị sản xuất bình quân đạt 9.714 tỷ đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và phát triển nông nghiệp chất lượng hiệu quả bền vững. Năm 2015, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đạt 53,05%, thương mại - dịch vụ đạt 29,6%, nông nghiệp - thủy sản đạt 17,35%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 26 triệu đồng. Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân, Thanh Oai đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện đã chuyển đổi 1.256ha trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình trồng cây ăn quả, rau an toàn, nuôi thủy sản, lúa - cá kết hợp. Huyện cũng đã quy hoạch vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, xây dựng vùng lúa chất lượng cao 1.215ha, đưa năng suất lúa hàng năm đạt trên 12 tấn/ha. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan, Thanh Oai đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho nhiều sản phẩm: Gạo Bồ Nâu Thanh Văn, Nếp cái hoa vàng Tam Hưng, Cam đường Kim An, Giò chả, bánh chưng Tân Ước. Năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 215,3 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, Thanh Oai thực hiện quyết liệt công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch và xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng. Đến nay, huyện đã dồn đổi được 5.165ha, đạt 101,7% kế hoạch. Thanh Oai đang từng bước hình thành vùng sản xuất lớn chuyên canh tập trung, chất lượng hiệu quả cao, điển hình là vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư 52ha tại các xã Tân Ước, Kim Thư, Thanh Mai, Tam Hưng, Đỗ Động.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục được huyện đầu tư mạnh, coi đây là ngành mũi nhọn. Các DN trong các cụm công nghiệp sản xuất, kinh doanh khá ổn định với các ngành sản xuất chủ yếu: Đồ uống, may mặc, chế biến nông sản. Cùng với đó, huyện hoàn thiện cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy với diện tích 5,5ha. Xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm Nón Chuông xã Phương Trung và Lồng chim xã Dân Hòa. Đến nay, toàn huyện có 51 làng được TP công nhận làng nghề, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động với thu nhập ổn định. Ngoài ra, hoạt động dịch vụ - thương mại cũng tăng trưởng nhanh nhờ tăng cường khai thác lợi thế của các điểm du lịch làng nghề. Giai đoạn 2010 – 2015, giá trị sản xuất dịch vụ - thương mại bình quân đạt 2.826 tỷ đồng/năm.

Văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực

Thực hiện Chương trình số 02 – CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân", Thanh Oai đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Giai đoạn 2011 - 2015, huyện đã thực hiện 407 dự án đầu tư các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi công cộng và xây dựng nông thôn mới với tổng số vốn trên 1.500 tỷ đồng. Sau gần 5 năm thực hiện, huyện có 3 xã là Hồng Dương, Cao Dương, Dân Hòa được TP công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 17 xã đạt và cơ bản đạt trên 10 tiêu chí. Thanh Oai phấn đấu đến năm 2015 có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cam đường Kim An (Thanh Oai) đã được cấp nhãn hiệu tập thể năm 2014.
Cam đường Kim An (Thanh Oai) đã được cấp nhãn hiệu tập thể năm 2014.
Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, 100% các thôn có nhà văn hóa, các trung tâm văn hóa, sân thể thao, điểm bưu điện… đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" cũng đang được đẩy mạnh cả bề rộng lẫn chiều sâu. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được người dân hưởng ứng tích cực.

Xác định nguồn nhân lực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững, lâu dài của huyện, sự nghiệp GD&ĐT được huyện đặc biệt quan tâm. Trong đó, trọng tâm là việc nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đến nay, huyện có 30/69 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân được quan tâm. 100% số xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2020. Tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch đạt 30%. Hàng năm, huyện tổ chức dạy nghề và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Nhờ đó, năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,55%. Quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội phấn đấu đến năm 2020:
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Dịch vụ chiếm 31,6%, Công nghiệp - xây dựng chiếm 56,8%; Nông nghiệp – thủy sản chiếm 11,6%.
- Thu ngân sách Nhà nước đạt 500 tỷ đồng.
- 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/năm.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%.
- 86% làng, 90% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa; 88% hộ đạt gia đình văn hóa.
- 75% số trường học đạt chuẩn quốc gia.
- 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
- Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.